Chưa như mong đợi
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:36, 18/06/2019
Mặc dù đã có những nỗ lực nhưng theo đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả thực tế của việc cải cách thủ tục kiểm tra vẫn chưa được như mong đợi. Theo rà soát của VCCI, danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn những bất cập. Đó là, nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải kiểm tra; chưa có sự đồng bộ trong quy trình vận hành giữa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Việc áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành chưa được nhiều cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành áp dụng, dẫn đến tình trạng gần như tất cả các lô hàng đều bị kiểm tra, kể cả trường hợp rủi ro vi phạm rất thấp…
Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021 đã chỉ rõ, nhiều bộ, ngành không đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau các quyết định cắt giảm; chất lượng các đề xuất cắt giảm mới chưa thực chất, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
Thiết nghĩ, thủ tục kiểm tra chuyên ngành là cần thiết để bảo đảm chất lượng của hàng hóa, sản phẩm. Tuy nhiên, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, để không trở thành "rào cản", thậm chí là “yêu sách” để “hành” doanh nghiệp. Muốn thực hiện điều đó, cần loại trừ lợi ích của các bộ, ngành trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, có thể theo hướng xã hội hóa các trung tâm kiểm định, giám định, cấp giấy chứng nhận… để bảo đảm tính minh bạch, khách quan.