Ngành Ngân hàng: Đẩy mạnh đổi mới, cải cách hành chính

Tài chính - Ngày đăng : 07:35, 18/06/2019

(HNM) - Ngày 17-6, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Thái Hiền


Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, mặc dù các tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, nhưng việc cải cách, đổi mới các thủ tục có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán... là nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng.

Đổi mới phương thức phục vụ

Kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đạt điểm cao nhất 90.57/100 điểm và tiếp tục dẫn đầu. Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước xếp vị trí số 1 về Chỉ số cải cách hành chính trong các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố được đánh giá.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, nhiệm vụ cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước phải gắn với đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để hỗ trợ tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng. Từ đó, góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và đóng góp cho việc cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia. Trên quan điểm này, phạm vi hoạt động cải cách thủ tục hành chính của Ngân hàng Nhà nước được xác định gồm 3 trụ cột, gồm: Cải cách hành chính theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; Cải cách hành chính nội bộ; Cải cách thủ tục của tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, người dân theo hướng đơn giản hóa, cắt giảm lãi suất, phí dịch vụ.

Về hoạt động cải cách, đổi mới của hệ thống các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống các tổ chức tín dụng đã rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ; chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; cung cấp hàng trăm chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi. Đến nay đã có hơn 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc. Cùng với đó là những chuyển động tích cực: Các ngân hàng đã cho vay mới hơn 50.000 doanh nghiệp; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 doanh nghiệp...

Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, các ngân hàng tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, hệ thống công nghệ phần mềm lõi (core Banking) để hoàn thiện các dịch vụ e.Banking và đã cung cấp nhiều sản phẩm online mới, hiện đại, tiện dụng đáp ứng yêu cầu về thương mại điện tử của doanh nghiệp. Các quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất được công bố công khai và cập nhật liên tục trên trang tin điện tử của ngân hàng, các phần mềm tiện ích sử dụng trên điện thoại được cung cấp giúp khách hàng tra cứu thông tin, trao đổi về chất lượng, giá dịch vụ…

Như vậy, việc cải cách hành chính hiệu quả đã mang lại nhiều lợi ích cho Ngân hàng Nhà nước, cũng như các tổ chức tín dụng. Người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với thông tin về tài chính, ngân hàng nói chung và các quy trình, thủ tục, sản phẩm dịch vụ ngân hàng một cách minh bạch, rõ ràng, cụ thể và bình đẳng hơn.

Quan tâm bảo đảm tính pháp lý

Để việc kinh doanh đạt hiệu quả, các ngân hàng cũng đã tích cực cải cách hành chính. Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng cho hay, việc triển khai cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch với khách hàng, cũng như nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm, tiện ích mới giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí, kiểm soát rủi ro... luôn là nhiệm vụ trọng tâm đối với TPBank. Thời gian qua, TPBank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất triển khai hệ thống "Ngân hàng tự động - LiveBank" đến tất cả các tỉnh, thành phố có điểm giao dịch của TPBank để đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng.

Hiện, TPBank có hơn 100 điểm giao dịch LiveBank. TPBank cũng đã cung cấp ra thị trường một số sản phẩm ngân hàng công nghệ cao như eBank doanh nghiệp, eBank cá nhân, QuickPay… Ngoài ra, TPBank còn chú trọng ứng dụng công nghệ trong việc cải tiến các quy trình nội bộ, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc Ban Điều hành Ngân hàng BIDV khẳng định, BIDV đã xây dựng giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các quy trình không cần thiết trong phục vụ khách hàng. Cụ thể, BIDV áp dụng thống nhất một quy trình cấp tín dụng bán lẻ cho hầu hết các sản phẩm, dịch vụ, ban hành một số sản phẩm tín dụng đặc thù đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn, áp dụng quy trình giải ngân một cửa đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, giảm trung gian xét duyệt cấp tín dụng trong nội bộ ngân hàng...

Ông Lê Ngọc Lâm cũng kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, việc bảo đảm tính pháp lý của các cơ chế chính sách và sản phẩm là vấn đề lớn cần được quan tâm. Do vậy, đề nghị cấp có thẩm quyền tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các tổ chức tín dụng, xem xét và hạn chế hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong hoạt động ngân hàng. Qua đó để các tổ chức tín dụng có điều kiện ban hành các chính sách phù hợp, phục vụ tốt nhất đến khách hàng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm rủi ro vận hành và phòng chống gian lận.

Hà Linh