“Chủ động hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn trong phòng, chống thiên tai”
Công nghệ - Ngày đăng : 16:20, 20/06/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Hội nghị do Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức ngày 20-6, tại Hà Nội.
Dự hội nghị tại điểm cầu trung ương còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai...
Tại điểm cầu của thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố. 30 quận, huyện, thị xã kết nối hội nghị trực tuyến…
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2019, thiên tai xảy ra trên khắp các vùng miền của cả nước đã làm 23 người chết, mất tích và 36 người bị thương; thiệt hại tài sản ước khoảng 338 tỷ đồng… Năm 2018, thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại tài sản gần 20.000 tỷ đồng…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc: Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế; lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai dù đông nhưng hiệu quả thấp; nguồn lực đầu tư còn hạn chế và phân tán; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đáp ứng yêu cầu...
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thông tin: Từ nay đến cuối năm 2019, trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. So với trung bình nhiều năm, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới thấp hơn song nhiều khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh và có quỹ đạo rất phức tạp. Trên các sông, suối xuất hiện nhiều đợt lũ lớn...
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian còn lại của năm 2019 và những năm tiếp theo, các tỉnh, thành phố đề nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp, kiên cố hệ thống đê điều, hồ đập, các công trình trọng điểm, xung yếu để chủ động ứng phó với thiên tai; đầu tư thêm mạng lưới, thiết bị dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất...
Trao đổi tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Khi xảy ra tình huống úng ngập, đặc biệt tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức..., Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và địa bàn chỉ huy cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo, từng ngành, từng cấp trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, cụ thể; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, địa bàn để đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả. Hà Nội đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập; sơ tán dân đến nơi ở an toàn; kịp thời triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm đời sống cho nhân dân... Sau khi nước rút, tập trung thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để phát sinh bệnh, dịch…
Thủ tướng tham quan Triển lãm công nghệ phòng, chống thiên tai. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo nhận định của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 10 nước bị thiên tai đe dọa lớn nhất. Vì vậy, chúng ta không chủ động phòng chống thì thiệt hại sẽ lớn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng cũng cần khắc phục một số tồn tại như: Thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Năm nào, cũng có nhiều người chết do sạt lở đất và sau lũ. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là công trình phòng chống thiên tai còn hạn chế... Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai mặc dù đã rất cố gắng, có nhiều tiến bộ nhưng năng lực quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, chưa theo kịp với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường do biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, đồng thời nêu rõ, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác phòng, chống thiên tai là “xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai” theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính. Cần chủ động hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn trong bảo vệ sản xuất, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân...
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia. Bộ NN&PTNT đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành các dự án khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở bờ biển đã được bố trí kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng trung ương 2018.
Nhấn mạnh vai trò trọng tâm của các địa phương trong phòng, chống thiên tai, Thủ tướng nêu rõ, các địa phương chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương và trước nhân dân.
Nhân dịp này, Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen cho 34 tập thể, 55 cá nhân đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác chỉ đạo ứng phó, thông tin, truyền thông và khắc phục hậu quả sau thiên tai năm 2018. Thành phố Hà Nội có hai tập thể, ba cá nhân được tặng Bằng khen, trong đó Báo Hànộimới có một tập thể và một cá nhân. |