Mô hình giáo dục tích hợp STEM: Lan tỏa tình yêu khoa học
Giáo dục - Ngày đăng : 08:25, 20/06/2019
Cú hích cho giáo dục
Đề cập đến Ngày hội STEM với quy mô quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm 2015, bà Lê Thị Khánh Vân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi sự kiện đã thu hút được sự đam mê của giới trẻ một cách mạnh mẽ.
Từ đó, các Ngày hội STEM đã được tổ chức thường niên và Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng thí điểm STEM từ năm học 2017-2018 ở 15 trường THCS và THPT tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nam Định.
Hơn 50 chủ đề dạy học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên theo định hướng STEM đã được các nhà trường xây dựng và thực hiện với kết quả tích cực. Trước đó, một số trường đào tạo bậc cao cũng đã triển khai và kỳ vọng STEM trở thành cú hích thay đổi diện mạo giáo dục ở Việt Nam.
Hoạt động trong mô hình giáo dục tích hợp (STEM) khơi gợi hứng thú với các em nhỏ về khoa học. |
Trên thực tế, mô hình STEM đã manh nha xuất hiện ở nước ta khoảng 10 năm nay. Hoạt động liên tục và bền bỉ nhất để đưa giáo dục STEM về các địa phương phải kể đến Liên minh STEM, nơi tập hợp các đơn vị như: Học viện Sáng tạo S3, Kidscode, Công ty Long Minh, các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông…
Ông Đỗ Hoàng Sơn, một thành viên của Liên minh STEM chia sẻ, nhờ sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các cá nhân, giáo dục STEM đã được triển khai ở hàng trăm trường phổ thông và 70% số trường đó là ở khu vực nông thôn, miền núi, trong điều kiện chưa được Nhà nước chính thức cấp ngân sách.
Với sự tham gia ngày càng đông của các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… của nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, Ngày hội STEM đang góp phần xây dựng và tiếp năng lượng cho hệ sinh thái giáo dục STEM ngày càng hoàn chỉnh.
Trong lúc không ít phụ huynh học sinh đang phải chi rất nhiều tiền để đưa con mình đi trại hè nước ngoài theo học các khóa STEM, thì Học viện Sáng tạo S3, thành viên của Liên minh STEM, lại đang làm điều ngược lại, đó là xuất khẩu STEM.
Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, đại diện Học viện Sáng tạo S3 cho biết, theo quy luật thị trường, cái gì tốt và rẻ sẽ xuất khẩu được, giáo dục STEM cũng vậy. Cuối năm 2018, học viện đã thử nghiệm tổ chức bài giảng STEM về chủ đề đồ chơi dân gian cho học sinh Hàn Quốc và hè năm 2019, học viện sẽ mang học sinh Hàn Quốc đến Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tạo ra các cặp học sinh Việt Nam - Hàn Quốc học cả về khoa học và văn hóa. Chương trình gắn liền với thực tiễn cuộc sống của học sinh, dựa trên các đồ chơi dân gian của Việt Nam như đèn kéo quân, rối gỗ, chuồn chuồn thăng bằng… Trong mỗi đồ chơi đều chứa hàm lượng khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học phù hợp với độ tuổi học sinh”, Tiến sĩ Đặng Văn Sơn cho biết thêm.
Cần những chính sách cụ thể hơn
Trong hơn 5 năm qua, các nhóm trong Liên minh STEM đã giúp “xóa mù” về giáo dục STEM cho khoảng 10.000 giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phố. Thông qua các buổi tập huấn, giáo viên được giới thiệu về giáo dục STEM cũng như được hướng dẫn cách tổ chức các tiết học STEM dựa trên nội dung của sách giáo khoa và các vật liệu tái chế.
Đến nay, đã có khoảng 400 trường thành lập được Câu lạc bộ STEM, trong đó khoảng 200 trường có câu lạc bộ dạy lập trình robot với các thiết bị do các nhà hảo tâm, cựu học sinh hỗ trợ.
Trái với suy nghĩ cho rằng, giáo dục STEM chỉ thích hợp với “con nhà có điều kiện”, các thành viên của Liên minh STEM đã chứng minh điều ngược lại, khi tiếp cận từ các học sinh vùng nông thôn. Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, học sinh nông thôn có lợi thế là được trải nghiệm hằng ngày với thiên nhiên. Các em cũng quen với lao động tay chân, tức là quen với thực hành.
Những khó khăn ở vùng nông thôn chính là động lực để học sinh tiếp nhận phương pháp học đi đôi với hành, làm quen với cách giải quyết các vấn đề như tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón… bằng các kiến thức tổng hợp.
Với học sinh thành phố, chị Nguyễn Mai Anh là phụ huynh có con đang tham gia hoạt động STEM tại Trường THCS Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm cho rằng: "Nếu chỉ liên hệ hoạt động STEM với các mô hình robot hay máy móc tự động thì thấy như rất tốn kém. Song, thực tế là các con được tham gia câu lạc bộ miễn phí, còn phần lớn hoạt động STEM không đòi hỏi phải đầu tư lớn cả từ nhà tổ chức lẫn gia đình. Các con được tận dụng cơ sở vật chất có sẵn ở trường học, phòng thí nghiệm. Các chủ đề STEM lại đa dạng, có thể được triển khai ở vườn trường, công viên, bảo tàng, vườn thú… hay tận dụng các vật liệu tái chế như vỏ hộp, vỏ chai".
Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm cho biết, 11/11 trường THCS của quận đã tổ chức Câu lạc bộ STEM miễn phí và là địa phương có hoạt động STEM khá sôi nổi.
Tuy nhiên, để các môn học gắn với STEM đạt hiệu quả, theo bà Nguyễn Thị Thúy, cần những chính sách cụ thể hơn về giáo dục STEM và vai trò chuyên môn của các nhà khoa học liên quan đến ngành, nghề STEM. Đó là yếu tố quan trọng mà các trường phổ thông cần có để biến dạy học STEM từ một thách thức trở thành cơ hội, đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực.