Cảnh giác khi “giải nhiệt”
Xã hội - Ngày đăng : 09:49, 21/06/2019
Sử dụng điều hòa đúng cách vừa tiết kiệm điện vừa bảo đảm cho sức khỏe. |
Dùng điều hòa sai cách
Nhiệt độ nắng nóng có lúc lên tới 40oC khiến cơ thể không thể chịu được, vì vậy việc dùng điều hòa để “giải nhiệt” đã trở thành sự lựa chọn tối ưu của nhiều gia đình. Thế nhưng, như PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, nhiều người có thói quen đang đi ngoài trời nắng nóng và khi vừa vào nhà đã bật điều hòa thật lạnh.
Sự chênh lệch giữa nhiệt độ 38 - 40oC ngoài trời với nhiệt độ 17 - 18oC trong phòng điều hòa khiến cơ thể khó thích ứng. Do đó, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ đột ngột, mồ hôi không thoát ra được làm tổn hại đến hệ thần kinh.
Nếu nhẹ có thể khiến cơ thể mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu chóng mặt ngay sau đó. Nặng hơn sẽ làm tăng nhịp tim rồi khó thở, thậm chí hôn mê, tử vong... Điều này đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ. Tốt nhất là khi vừa ở ngoài nắng về, nên lau khô mồ hôi, ngồi ở ngoài một lúc rồi mới vào phòng có máy lạnh. Mặt khác, nhiều gia đình có thói quen để nhiệt độ điều hòa quá thấp khi trời nóng cũng dễ bị đau đầu, viêm họng, ngạt mũi... Tốt nhất là nên để nhiệt độ điều hòa từ 25 đến 28oC.
Thêm một sai lầm nữa, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, đã có những trường hợp tử vong do sau khi tắm nước lạnh lại vào nằm ngay trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp hoặc vừa đi nắng về lập tức tắm nước lạnh để giải nhiệt. Nguy cơ đột quỵ do nhiệt độ cơ thể hạ thấp đột ngột, máu không lưu thông trong trường hợp này là rất cao.
Thậm chí nhiều người có thói quen ngồi thật gần điều hòa hoặc quạt. Việc ngồi quá gần điều hòa, quạt sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dễ mắc các bệnh như sổ mũi, đau đầu, viêm họng... Đó là chưa kể ngồi quá gần quạt sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh dẫn đến mất cân xứng nhiệt, gây ra hiện tượng đau đầu, choáng váng, thậm chí trúng gió.
Sai lầm khi uống bia giải nhiệt
Bác sĩ Nguyễn Phú Hải, phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, nắng nóng khiến cơ thể mệt mỏi, ăn ngủ kém nên dễ nhiễm bệnh. Một số bệnh thường gặp khi thời tiết nắng nóng gay gắt là cúm, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ... Thậm chí, nắng nóng cũng khiến số ca tai nạn giao thông nhập viện gia tăng, trong đó có những trường hợp tai nạn giao thông do rượu, bia.
Vào những ngày hè, nhiều người có thói quen uống bia để giải khát. Tuy nhiên, uống bia gây trướng bụng, đầy hơi làm cho người uống mất cảm giác đói, ăn ít hơn. Lúc này, cơ thể sẽ tiêu thụ những năng lượng được dự trữ, cộng thêm việc cồn có trong máu dễ gây ra hạ đường huyết. Thêm vào đó, sau khi uống bia nếu tham gia giao thông dễ có nguy cơ gây tai nạn.
Không chỉ uống bia “giải nhiệt”, nhiều người còn uống nhiều nước ngọt có ga. Theo bác sĩ Nguyễn Phú Hải, hầu hết nước ngọt có ga đều chứa nhiều đường và các chất làm ngọt, tạo màu hóa học. Uống nhiều nước ngọt có ga khi trời nắng nóng không những không có tác dụng giải nhiệt mà còn khiến cơ thể dễ tăng cân, béo phì, khó tiêu, dễ cáu kỉnh, đau đầu...
Vì vậy, người dân nên hạn chế uống các loại nước có cồn trong thời tiết nắng nóng. Thay vào đó, nên uống nước đun sôi để nguội, nước chè xanh, nước ép trái cây tươi, nước ép rau má, sữa đậu nành, nước dừa... Một lưu ý nữa, khi đi ngoài trời nắng về, nhiều người đã uống nước ừng ực, vội vàng cho “đã khát”... cách này lại rất hại cho sức khỏe vì sẽ làm máu nhanh bị loãng, tăng gánh nặng cho tim. Cách tốt nhất là dù khát đến đâu cũng nên uống từ từ, chia nhỏ lượng nước uống.
Hạn chế ra đường lúc nắng nóng cao điểm
Thời gian từ 10h đến 16h là thời điểm nắng nóng gay gắt, chứa rất nhiều tia cực tím. Do đó, nên hạn chế đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này. Cường độ tia cực tím phụ thuộc mây, mùa, thời tiết... Chẳng hạn, trời nắng nhưng nhiều mây, lượng tia cực tím sẽ yếu hơn và ngược lại. Thông thường, từ 10h đến 14h hằng ngày là khoảng thời gian có chỉ số tia cực tím cao nhất. Bác sĩ Phạm Văn Tiến, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, tia cực tím có thể gây ra những tai biến về mắt nếu như người dân ra ngoài nhưng không được trang bị kính bảo hộ.
Ngoài ra, do tác động của tia cực tím, các màng bao bọc mắt có thể bị phá hủy trong trường hợp ánh nắng chiếu dội lên từ nền cát, nước hay xi măng. Nếu bị chiếu tia cực tím trong thời gian dài, từ 6 đến 15 giờ, người bệnh có thể bị rối loạn thị giác, giảm thị lực, ngứa mắt, chảy nước mắt và sợ ánh sáng. Nếu được nghỉ ngơi trong môi trường sạch sẽ, trong lành, triệu chứng này sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc quá lâu với cường độ mạnh của tia cực tím, bệnh nhân có thể bị suy võng mạc, cườm mắt, thậm chí lòa hay mù mắt.
Còn theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương, dưới sự tác động của ánh sáng mặt trời và tia cực tím, các tế bào da của con người có thể bị ảnh hưởng, gây ra những bệnh dày sừng do ánh nắng, thậm chí có thể tiến triển thành ung thư, rất nguy hiểm. Nếu để làn da tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng mặt trời có thể gây ra tình trạng bỏng nắng, tăng sắc tố, tạo nếp nhăn hoặc ung thư da... 90% các dấu hiệu ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng. Do vậy, người dân nên cẩn thận mỗi khi ra đường vào thời điểm này.
Bác sĩ Lê Hữu Doanh khuyến cáo, trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài hay làm việc ngoài trời trong thời gian này, hãy bôi kem chống nắng, mặc áo dài tay, mũ rộng vành, đeo kính râm để ngăn ngừa tác hại của tia UV.
Tuy nhiên, để dùng kem chống nắng đúng cách, mang lại hiệu quả, cứ 2 - 3 tiếng phải bôi lại kem một lần. Bên cạnh đó, cần bôi kem chống nắng đủ liều. Mọi người thường bôi lớp quá mỏng nên tác dụng giảm đi rất nhiều. Nguyên tắc dùng kem chống nắng là phải dùng đủ liều, đúng với từng loại da.