Sơ cứu sốc nhiệt đúng cách
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:45, 21/06/2019
Nguyễn Văn Huân (48 tuổi ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Đáp: Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41oC, lúc này con người sẽ rơi vào trạng thái chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức. Thân nhiệt tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh... Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch..., dễ phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong.
Với những người bị sốc nhiệt do nắng nóng, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, thậm chí cả di chứng mà bệnh nhân phải chịu. Do đó, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, nôn mửa... thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt.
Tuy nhiên, nên lưu ý không cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, thậm chí lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân.
Hoặc có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người... Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc bệnh nhân trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh. Đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng. Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39oC rồi chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Bên cạnh đó, khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, người dân phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.