Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức Triều Tiên: Chuyến đi nhiều kỳ vọng
Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 21/06/2019
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bình Nhưỡng. |
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Triều Tiên là chuyến thăm cấp nhà nước cao nhất của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến quốc gia láng giềng này trong suốt 14 năm qua. Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình đã trải qua những thử thách chưa từng có trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa, hạt nhân. Trung Quốc khiến dư luận thế giới ngạc nhiên khi ủng hộ một số lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Liên hợp quốc áp đặt nhằm phản ứng với các vụ thử hạt nhân năm 2016 và 2017.
Đến năm 2018, quan hệ hai nước có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có nhiều động thái nhằm khôi phục mối quan hệ hai nước. Và chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình là lần gặp thứ 5 của hai nhà lãnh đạo kể từ lần gặp gỡ đầu tiên vào tháng 3-2018. Vấn đề cải thiện quan hệ liên Triều, giải quyết căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hay giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã có những tiến triển tích cực trong giai đoạn này.
Quan hệ hợp tác kinh tế Triều - Trung trở nên mật thiết hơn sau loạt chuyến công du của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc. Giao dịch thương mại hai nước đã xuất hiện điểm sáng trong tháng 3-2019 khi tăng tới 38,1%. Cùng với kết quả kinh tế tích cực, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Triều Tiên thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai nước, và quan trọng hơn, phát đi thông điệp rằng Trung Quốc vẫn là đồng minh quan trọng của Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ song phương Trung - Triều, chuyến thăm cấp nhà nước tới Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc còn đóng vai trò như một động lực thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều. Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn chuyển một thông điệp tới Mỹ về “vai trò không thể thiếu” của Bắc Kinh trong các vấn đề ở Đông Bắc Á, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cũng theo giới quan sát, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng leo thang, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 này. Vì thế, chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cơ hội để Bắc Kinh “đảo ngược” những quyết định của Tổng thống Mỹ nhằm vào Trung Quốc.
Hơn lúc nào hết, Tổng thống Donald Trump đang trong tiến trình tranh cử nhiệm kỳ hai và đương nhiên ông chủ Nhà Trắng muốn thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bởi vậy, Triều Tiên có thể được Trung Quốc coi như “quân át chủ bài” trên bàn đàm phán thương mại với Mỹ.
Có thể thấy, nhiều kỳ vọng đang được đặt vào chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bên cạnh việc tăng cường quan hệ song phương, cuộc gặp cấp cao Trung - Triều lần này có thể là động lực thúc đẩy giải quyết hàng loạt các vấn đề hiện đang bế tắc như: Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.