Xây dựng môi trường truyền thông xã hội lành mạnh
Đời sống - Ngày đăng : 09:05, 21/06/2019
1. Chỉ với một thiết bị thông minh có kết nối Internet, cả thế giới đã thu nhỏ vào một chiếc màn hình, song thế giới thu nhỏ này không chỉ có thông tin một chiều như trước kia mà giờ đây còn mang đến sự tương tác đa chiều, thậm chí cho phép cá nhân tạo ra thông tin. Cùng với sự xuất hiện báo điện tử, sự phát triển của Internet còn cho ra đời các công cụ tìm kiếm, những ứng dụng kết nối thông tin và rất nhiều kiểu mạng xã hội. Những phương tiện truyền thông mới này đã và đang tạo ra những biến đổi sâu sắc về văn hóa - xã hội trên toàn thế giới.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), “song song với lợi ích của các phương tiện truyền thông mới, lĩnh vực quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội đang ngày càng phải đối mặt với các vấn đề khó khăn hơn. Chính bản thân các phương tiện truyền thông mới cũng đang là nơi để tội phạm phát tán phần mềm, thông tin độc hại đến công chúng. Bên cạnh đó là nạn tin giả, tin đồn, thư rác... đã và đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà tổ chức, quản lý truyền thông và cả công chúng”.
Truyền thông xã hội đang là đặc điểm nổi bật của thời đại công nghệ số. Ở Việt Nam, người sử dụng mạng xã hội tăng nhanh mỗi năm, trong đó đa phần là giới trẻ - những chủ thể chính của truyền thông xã hội. Với tính năng kết nối mở, mạng xã hội đã và đang trở thành phương tiện giao lưu trực tuyến không thể thiếu của một bộ phận rất lớn người dân, song nó cũng đang kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp.
2. Chia sẻ thông tin ồ ạt, bóp méo thông tin, đưa thông tin sai lệch, vượt quá giới hạn, comment “ném đá” thiếu văn hóa..., rồi những trào lưu "khoe của", "khoe thân" để “câu like”, tụ tập lôi kéo thành những nhóm “anti” bày tỏ sự không thích, phản đối từ các diễn viên, người mẫu nổi tiếng cho đến phản đối cả... vắc xin tiêm chủng (!)...
Rất nhiều hệ lụy không nên có đã bắt nguồn từ mạng xã hội. Nhưng nguy hiểm hơn, không ít kẻ xấu đã lợi dụng môi trường dễ chia sẻ nhưng khó kiểm soát này để tung các thông tin giật gân, gây nhiễu, gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước.
Đáng buồn thay, một bộ phận người dân do thiếu hiểu biết, muốn thể hiện mình đã sẵn sàng bình luận một cách thiếu khách quan, chia sẻ các thông tin mà không kiểm chứng tính chân thật, khiến cho tốc độ xâm nhập và lan truyền của thông tin độc hại trên mạng xã hội rất nhanh, rất khó kiểm soát, ngăn chặn.
Thậm chí, không ít tờ báo, trang thông tin điện tử vì mục đích câu view cũng sẵn sàng chạy theo các tin nóng xuất phát từ mạng xã hội. Nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Sự phổ cập của mạng xã hội, với sự tiện lợi và tính ẩn danh, với nền tảng truyền thông nhanh chóng và gần như miễn phí, đã tạo điều kiện - thậm chí thúc đẩy - những người tham gia trở thành những kẻ phát ngôn thiếu trách nhiệm, không cần dựa trên hệ quy chiếu đạo đức và thẩm mỹ nào”.
Thực tế trên thế giới đã có những tòa soạn xây dựng riêng một đội ngũ biên tập viên mạng xã hội, mà theo đó các nhà báo sử dụng mạng xã hội để thu thập, tiếp nhận thông tin, sau đó thẩm định và phát hành thông tin để làm sao có thể định hướng, dẫn dắt mạng xã hội thay vì bị mạng xã hội dẫn dắt. Tương tác trên mạng xã hội sẽ phải trở thành kỹ năng của các nhà báo trong thời đại truyền thông số để mỗi nhà báo khi đăng tải thông tin, kể cả các bình luận cá nhân cũng phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, có định hướng, được trình bày với thái độ thận trọng, cẩn ngôn.
Nhìn từ góc độ tích cực, mạng xã hội góp phần giúp báo chí nắm bắt thông tin nhanh hơn, có những góc nhìn bao quát đa cạnh hơn từ các bình luận, và có sự trao đổi đa chiều với độc giả. Nếu biết tận dụng, các tờ báo có thể tạo ra những kênh riêng cho mình trên mạng xã hội, hình thành những lớp độc giả trung thành ở thế giới ảo, từ đó góp phần định hướng dư luận, đặc biệt là với lớp trẻ ngày nay thường chỉ xem tin tức qua mạng xã hội. Báo chí truyền thông hiện đại phải phục vụ công chúng và tiếp cận công chúng theo hướng mở, và ở đó mỗi công chúng cũng đồng thời là một “nhà báo công dân” có vai trò giám sát và phản biện các sự kiện diễn ra trong xã hội.
3. Chủ động thông tin trên “mặt trận” mạng xã hội là cách mà không phải chỉ các cơ quan báo chí mới thực hiện mà nhiều cơ quan quản lý cũng đã, đang tìm cách sử dụng hiệu quả bên cạnh việc đẩy mạnh cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông chính thống. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng mạng xã hội như thêm một kênh giao tiếp với nhân dân.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2015, Chính phủ cũng đã “lên” mạng xã hội Facebook với hai trang Thông tin Chính phủ và Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các thông cáo báo chí, các thông tin hoạt động của Chính phủ nhằm mục đích “phủ sóng” rộng rãi hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà còn khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ.
Hiện nay, nhiều ngành, nhiều địa phương khác cũng đã tận dụng mạng xã hội để hỗ trợ thêm thông tin, triển khai một số tiện ích phục vụ người dân và đặc biệt để có thể tương tác đa chiều, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân như các ngành y tế, giao thông, điện lực...
Khi những thông tin không chính thống xuất hiện ngày một nhiều mà khó có giải pháp quản lý, ngăn chặn hiệu quả thì việc tận dụng chính mạng xã hội để định hướng dư luận, hướng người dân phân biệt được đúng sai, hướng đến cái tốt, nhận diện và đấu tranh với cái xấu là việc cần làm nhằm xây dựng một môi trường truyền thông xã hội lành mạnh.
Việc làm chủ, sử dụng một cách hiệu quả những phương tiện, công cụ truyền thông mới như Internet hay mạng xã hội để chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời và minh bạch, là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự phát tán của những thông tin sai lệch, củng cố niềm tin của người dân. Đây cũng là một trong những bước đi cụ thể hóa của lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam.
Mặc dù mạng xã hội đang trở thành một kênh thông tin thiết yếu với nhiều người dân, nó tạo điều kiện cho loại hình “báo chí công dân”, “truyền thông cá nhân” phát triển, song sự chính xác và tích cực của thông tin phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm và mục đích của các “công dân làm báo” khi đăng tải thông tin.
Do đó, bên cạnh việc làm chủ “mặt trận” mạng xã hội bằng cách chủ động cung cấp thông tin “chuẩn”, minh bạch, tăng cường sự giám sát nhằm phát hiện thông tin sai, xấu, nhiễu độc thì rất cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Trước “ma trận” thông tin thật giả lẫn lộn, mỗi công dân nếu đều được trang bị những kiến thức về mạng xã hội, có ý thức, trách nhiệm trước mỗi phát ngôn, bình luận hay chia sẻ trên mạng xã hội thì chắc rằng những thông tin tiêu cực, nhiễu độc sẽ không còn “đất sống”.