Nỗ lực khắc phục sự cố cáp quang biển

Xe++ - Ngày đăng : 07:43, 22/06/2019

(HNM) - Các tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố liên tục trong thời gian gần đây khiến kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế chập chờn... Để khắc phục điều này, các nhà cung cấp dịch vụ đã đầu tư mới, thuê lại dung lượng của các hãng khác nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.


Từ đầu năm 2019 đến nay, 3/6 tuyến cáp quang biển gặp sự cố. Tuyến APG (Asia Pacific Gateway) bị sự cố đến lần thứ 4 (trong đó 3 sự cố xảy ra trong tháng 2 và 1 sự cố vào cuối tháng 5); thời gian để đối tác quốc tế phải khắc phục, sửa chữa khoảng 10-20 ngày cho mỗi sự cố.

Cũng từ đầu năm 2019, tuyến IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) đã bị sự cố lỗi nguồn tại Singapore và phải đến cuối tháng 1-2019 mới khắc phục xong. Tuyến AAE-1 (Asia Africa Europe -1) bị đứt cáp ngày 13-2, nhưng phải gần 1 tháng sau mới sửa chữa xong...

Ngay sau khi xảy ra sự cố đứt cáp, các nhà cung cấp dịch vụ lớn trong nước như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Viễn thông FPT... đều đã thực hiện định tuyến dung lượng sang các hướng cáp biển, cáp đất liền khác để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dùng. Tuy nhiên, cũng cùng thời điểm cáp quang biển gặp sự cố, người dùng cảm nhận rõ nhất tình trạng này.

Anh Nguyễn Văn Phong (địa chỉ số 5 - Phan Đình Phùng, quận Ba Đình) cho biết, mỗi lần cáp quang biển gặp sự cố, truy cập mạng trên máy tính rất chậm và hay bị đứt kết nối. Anh Phạm Nam Khánh (ngách 185/42, phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cho rằng, mỗi lần cáp quang biển đứt hay gặp sự cố thì truy cập mạng rất khó khăn, trong khi anh thường xuyên phải làm việc trên máy tính.

Đề cập đến nguyên nhân xảy ra sự cố, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel thông tin, hệ thống cáp quang biển đi qua các trạm Hub (trạm trung chuyển) hàng hải lớn của khu vực và quốc tế, nên dễ xảy ra đứt cáp khi tàu trọng tải lớn nhổ neo vướng phải...

Trong số các tuyến cáp quang biển mà các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, khai thác, thì tuyến AAG (Asia America Gateway) là tuyến hay bị đứt do khâu thiết kế, thi công thời điểm năm 2008 chưa tốt; các tuyến cáp quang biển xây dựng mới sau này tốt hơn, đã giữ vai trò giúp nhà mạng san tải khi AAG xảy ra sự cố.

Đề cập đến giải pháp để hạn chế đến mức ảnh hưởng đến người sử dụng trong nước, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường VinaPhone cho biết, thời gian qua các nhà mạng lớn trong nước liên tục tham gia đầu tư vào các tuyến cáp quang biển quốc tế khác, nên khi tuyến cáp biển nào đó xảy ra sự cố, hoặc phải bảo dưỡng, nhà mạng đều định tuyến chuyển lưu lượng sang các tuyến cáp quang biển khác, hoặc đất liền, do vậy người dùng trong nước hầu như không bị ảnh hưởng.

Theo ông Tú, VNPT đang khai thác 5 tuyến cáp quang biển (AAG, SMW-3, APG, AAE-1, TVH) và 1 tuyến trên đất liền (CSC). Ngoài 6 tuyến cáp biển và đất liền đã đầu tư, khai thác như hiện nay, VNPT còn mở thêm dung lượng tại các tuyến khác.

Cụ thể, VNPT hiện thuê dung lượng truyền dẫn trên một số tuyến cáp quang biển quốc tế khác như Faster, Unity. Đồng thời, thuê lại dung lượng của các hãng khác đã đầu tư trên các tuyến như: China-US, FLAG, APCN2, SMW-4 và TPE nhằm đáp ứng dung lượng nối tiếp đi các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Âu...

Về lâu dài, để nâng cao chất lượng cho người dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, các Tập đoàn VNPT, Viettel đều tiếp tục đầu tư mới các tuyến cáp quang biển. Theo Tập đoàn VNPT, từ nay tới năm 2020, VNPT đầu tư thêm 2 tuyến cáp quang biển mới.

Còn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cũng chia sẻ, đến năm 2021 Viettel sẽ đầu tư thêm tuyến cáp quang biển mới, khả năng sẽ kết nối internet từ Việt Nam đi châu Âu, châu Phi...

Trong bối cảnh hiện nay, cáp quang biển vẫn là lựa chọn số 1, là phương án hiệu quả nhất. Các giải pháp đầu tư thêm tuyến mới, thuê lại dung lượng cũng nhằm mục đích cung cấp dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Việt Nga