Đấu nối nhanh, thêm nước sạch
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 22/06/2019
Nhanh chóng hoàn thành các dự án, nâng tỷ lệ đấu nối, sử dụng nước sạch cho người dân thành phố là yêu cầu cấp thiết. Trong ảnh: Công nhân Công ty Nước sạch Hà Đông lắp đặt đường ống nước sạch trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt |
Chậm phát triển mạng cấp nước
Với mục tiêu năm 2020, 100% người dân đô thị và nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch cùng tiêu chuẩn, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước. Trong đó, có 11 dự án phát triển nguồn cấp nước tập trung, 23 dự án phát triển mạng phân phối cho 382/416 xã. Dự kiến, đến hết năm 2020, các dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 1.005.000 hộ, đạt hơn 94%.
Để nâng cao khả năng cấp nước ở thành phố, năm 2018 đã có 4/4 dự án phát triển nguồn hoàn thành, bổ sung thêm 335.000m3/ngày-đêm cho nguồn cấp nước của thành phố. Các dự án phát triển mạng cấp nước cũng được triển khai tới 121 xã, thị trấn (là các xã có vị trí thuận lợi, gần dự án nguồn cấp nước tập trung, dễ thi công đường ống truyền dẫn) đáp ứng khả năng đấu nối cho hơn 55,5% người dân ở khu vực nông thôn với khoảng 593.957 hộ (vượt 0,5% so với kế hoạch năm 2018). Những huyện có số xã được nối mạng nước sạch cao gồm: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất...
Năm 2019, Hà Nội đặt chỉ tiêu hoàn thành 5 dự án phát triển nguồn, bổ sung thêm khoảng 525.000m3/ngày-đêm; triển khai 11 dự án phát triển mạng tại 229 xã, với khả năng cấp nước cho khoảng 256.833 hộ, nâng tỷ lệ cấp nước sạch lên khoảng 73-75%.
Tuy nhiên, do nhiều dự án triển khai chậm, nên đến hết tháng 5, mới có thêm 9/175 xã được hoàn thành triển khai mạng cấp nước. Để sớm hoàn thành các dự án phát triển mạng cấp nước như dự kiến đồng thời bảo đảm hoạt động hiệu quả tại các dự án đã triển khai, đòi hỏi phải xác định rõ nguyên nhân và lựa chọn giải pháp thực sự hiệu quả.
Doanh nghiệp và người dân cùng gỡ khó
Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ như: Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép thi công qua đường, hè, sông, đê; thi công tại các trục đường giao thông chính có mặt cắt hạn chế, nhưng nhiều phương tiện giao thông; nhà đầu tư gặp khó khăn trong vấn đề tài chính...
Ông Phạm Đình Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội cho biết, dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 14 xã, 1 thị trấn của huyện Hoài Đức do đơn vị triển khai năm 2018, với quy mô khoảng 30.000 hộ. Đến nay, đơn vị đã cấp nước tới 15/15 xã, thị trấn thuộc dự án với 23.500 hộ đăng ký, đấu nối sử dụng nước (đạt tỷ lệ 68%).
Tuy nhiên, khu vực nằm ngoài đê tả Đáy của 7 xã: Song Phương, Tiền Yên, Yên Sở, Đắc Sở, Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai (chiếm khoảng 20% khối lượng dự án) đến nay vẫn chưa triển khai thi công do đang mùa mưa lũ và phải chờ phối hợp điều chỉnh thiết kế các điểm giao cắt cho phù hợp với dự án thiết kế mở rộng đường đê.
Tại các dự án do liên danh Công ty cổ phần nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện, với tổng cộng 125 xã của các huyện: Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã), Thường Tín (27 xã), Mỹ Đức (20 xã), Ứng Hòa (27 xã)..., dự kiến hoàn thành vào năm 2020, nhưng mới thực hiện được 2/125 xã. Đây là 2 xã Trung Mầu và Văn Đức của huyện Gia Lâm, có địa bàn gần nguồn cấp nước của Nhà máy Nước sạch sông Đuống.
Việc các dự án của liên danh này chậm triển khai, bên cạnh nguyên nhân nguồn cung nước sạch chưa phủ tới phạm vi dự án (tại các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa...); thì còn có nguyên nhân phạm vi dự án trải dài, mật độ dân cư thưa, nên chi phí đầu tư khá lớn (tại dự án phát triển mạng lưới nước sạch cho 32 xã của Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm).
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống cho biết: "Có nhiều xã, suất đầu tư lên hơn 35 triệu đồng/hộ. Trong khi giá nước bán ra theo quy định thấp hơn so với chi phí đầu tư. Do đó, dự án sẽ thiếu hiệu quả nếu không được trợ giá nước”...
Tỷ lệ hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch tại thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) còn thấp. Ảnh: Yên Khánh |
Ngoài ra, tại nhiều dự án đã phủ mạng, tỷ lệ người dân đấu nối đường ống sử dụng nước đạt thấp, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành dự án. Ông Phạm Đình Hà chia sẻ: "Công ty đang chịu lỗ do chi phí đầu tư dự án lớn, nguồn nước mua từ nguồn tập trung giá cao. Song, tỷ lệ người dân sử dụng nước chưa nhiều, dẫn tới chi phí phân bổ cho 1m3 nước sạch rất lớn, trung bình khoảng 13.780 đồng/m3; trong khi giá bán nước bình quân cho người dân là 7.044 đồng/m3".
Ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Sở Xây dựng thường xuyên báo cáo tình hình triển khai và đã đề xuất, kiến nghị UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại Chỉ thị 04/CT-UBND (ngày 1-3-2019), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các huyện, thị xã ban hành nghị quyết phân công, chỉ đạo các xã tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch với sức khỏe nhân dân; lập tổ công tác giải quyết những vướng mắc liên quan đến nhà đầu tư và người dân trong quá trình triển khai dự án. Thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải phối hợp Sở Xây dựng, các huyện, thị xã tạo điều kiện cấp phép đào hè, đường cho các đơn vị thi công xây dựng mạng lưới cấp nước.
Đặc biệt, liên quan đến cơ chế, chính sách, ông Lê Văn Du cho biết, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất, báo cáo UBND thành phố điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch, hỗ trợ tiêu thụ ở các xã; phương án huy động người dân đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ và khấu trừ vào tiền nước sử dụng.
Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch nông thôn; đề xuất, báo cáo UBND thành phố xin ý kiến Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp vào tháng 7-2019.
Hết tháng 5-2019, thêm 9/175 xã được hoàn thành triển khai mạng cấp nước, gồm: 2 xã của huyện Gia Lâm (Trung Mầu và Văn Đức), 3 xã của huyện Thanh Trì (Tả Thanh Oai, Hữu Hòa, Tam Hiệp), 4 xã của huyện Mê Linh (Tiền Phong, Tráng Việt, Mê Linh, Đại Thịnh). |