Tín dụng đang “chảy” đúng hướng
Tài chính - Ngày đăng : 07:38, 22/06/2019
Hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
Từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh (trong đó có các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa...), các nhu cầu đời sống chính đáng của người dân.
Tính đến ngày 10-6, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm; 9-11%/năm đối với trung - dài hạn.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. |
Đối với việc cho vay để sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Eliss (trụ sở tại phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, công ty vừa làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng và đã được tạo điều kiện về nguồn vốn vay cũng như thời gian. Lãi suất cho vay "dễ thở" so với nhiều thời điểm trước, nên hoạt động của doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn.
Còn với việc cho vay ở lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp - nông thôn, ông Lê Xuân Trường (ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành - An Giang) đã tiếp cận vốn vay 1,3 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua máy gặt phục vụ thu hoạch lúa.
Nhờ đó, ngoài việc phục vụ cho gia đình, ông còn đi làm dịch vụ gặt lúa cho các hộ khác. Do hưởng lợi từ việc ngân hàng đã áp dụng chương trình hỗ trợ không lãi suất trong 2,5 năm đầu, đóng lãi 50% đối với năm thứ 3... sau khi trừ mọi chi phí, ông vẫn còn thu được lãi vài trăm triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh nhỏ ở các khu vực nông thôn cũng đã được ngân hàng thương mại tạo điều kiện vay vốn. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Bình (thôn Cõi, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã được vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) để mở rộng cửa hàng kinh doanh nông sản sạch.
Ông Bình cho biết: "Với nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, trong 12 tháng đầu tiên được hưởng lãi suất 0%, những tháng tiếp theo cũng chỉ dưới quanh mức 7-8%/năm, gia đình tôi vừa có cơ hội trả góp cho ngân hàng, vừa có cuộc sống đầy đủ hơn".
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho một số lĩnh vực. Cụ thể, các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ; nâng hạn mức cho vay; xem xét miễn, giảm lãi vay; thu gốc trước lãi sau; tiếp tục cho vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Thận trọng trong tăng trưởng tín dụng
Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng như vậy không cao, nhưng đây là mức tăng trưởng khá chắc chắn, ít bị rủi ro. Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng còn do yếu tố chu kỳ. Ngoài ra, trên thị trường có dòng vốn mới, mô hình kinh doanh mới tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế như cho vay ngang hàng, tổ chức tài chính vi mô, thị trường cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp... Các doanh nghiệp đã tích cực huy động vốn trung - dài hạn từ kênh này.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam phân tích thêm xu hướng tăng trưởng tín dụng trong 3 năm trở lại đây cho thấy, tín dụng có xu hướng giảm dần, nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thậm chí tăng trưởng kinh tế vẫn tích cực. Thực tế chứng minh năm 2018, tín dụng tăng 13,89% trong khi GDP đạt 7,08% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Chủ trương trên là lưới lọc tốt cho nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng. Chỉ có doanh nghiệp chất lượng tốt đủ điều kiện mới vay được vốn ngân hàng. Các ngân hàng cũng kỹ càng hơn nhiều khi lựa chọn khách hàng cho vay, bởi không muốn sai lầm như những năm trước đây là cho vay ồ ạt dẫn tới hậu quả nợ xấu. Rõ ràng, khi vốn đầu ra bị hạn chế, các ngân hàng buộc phải tối ưu hóa vòng quay vốn và sử dụng vốn sao cho hiệu quả nhất.
Nhìn chung, các ngân hàng tăng tín dụng thận trọng hơn do định hướng kiểm soát chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước so với những năm trước đây. Khi quy mô dư nợ trong nền kinh tế ngày càng tăng cao, nếu tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm sau cao hơn năm trước, con số tăng tuyệt đối cao hơn rất nhiều. Nếu không kiểm soát tốt dòng vốn, rất có thể lượng tiền chảy vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những tháng cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
Trong đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước định hướng, tổng phương tiện thanh toán của năm 2019 tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.