Để bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động
Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 25/06/2019
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 40% vào năm 2021. Ảnh: Hữu Tiệp |
- Xin ông cho biết lý do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội”?
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện qua nhiều nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội.
Song, độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia ở dưới mức tiềm năng. Cụ thể, năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 1.642.685 người, chiếm 35,2% lực lượng lao động và số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 1.502.120 người, chiếm 32,2% lực lượng lao động, đạt 83,3% số người thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nguyên nhân của hạn chế trên là do nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa đầy đủ. Tình trạng doanh nghiệp nợ đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều... Đây cũng là những lý do ra đời đề án “Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
- Vậy, mục tiêu cũng như những tác động, hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội của đề án là gì, thưa ông?
- Mục tiêu mà đề án đặt ra là đến năm 2021 có 40% số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm hơn 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; có 33% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đề án kỳ vọng sẽ thực hiện thành công mục tiêu “Bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động”, bảo đảm vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Cụ thể, qua Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mỗi cá nhân tham gia bảo hiểm sẽ giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Đặc biệt, các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm được thực hiện nghiêm túc, cùng với cơ chế thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
- Trong đề án có đặt mục tiêu về số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông có thể nói rõ hơn hình thức bảo hiểm xã hội này?
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện có mục đích bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi về già, khi không còn khả năng lao động. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã được mở rộng, đó là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật. Khi đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất; ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm.
Tuy nhiên, hiện tại số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất thấp. Nhiều người chưa nhận thức rõ bản chất cốt lõi của bảo hiểm xã hội là bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần hay toàn bộ thu nhập khi họ hết tuổi lao động, không còn đủ sức khỏe để tạo ra thu nhập, duy trì cuộc sống...
- Với thực tế trên, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp gì để phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp?
- Đề án khẳng định trách nhiệm, vai trò của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Bảo hiểm xã hội thành phố đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã thống kê, rà soát tình hình sử dụng lao động của đơn vị, xác định đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền cả về nội dung và hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm thay đổi nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động.
Đặc biệt, trong năm 2019, Bảo hiểm xã hội Hà Nội sẽ phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức khoảng 1.338 hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với người dân tại các cụm dân cư, các hội, đoàn thể để vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Trân trọng cảm ơn ông!