Giúp cây xanh vững chãi

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:28, 25/06/2019

(HNM) - Đã trở thành một nét riêng của đô thị Hà Nội, hệ thống hàng trăm nghìn cây xanh hằng ngày tỏa bóng mát, nhất là trong những ngày hè oi bức. Tuy nhiên, cũng vào mùa hè, khi điều kiện khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp, cây xanh ở Thủ đô còn phải chống chọi để đứng vững qua mùa dông gió…


Mỗi cành cây, tán lá thường ngày góp phần điều hòa không khí tự nhiên, nhưng khi bị mưa gió quật ngã có thể sẽ trở thành mối nguy lớn cho con người. Vì vậy, bảo vệ hệ thống cây xanh bóng mát của Hà Nội khỏi gãy, đổ trong mùa mưa bão trước hết là vì sự an toàn của mỗi người dân; đồng thời để giữ gìn vốn cây xanh quý, duy trì “lá phổi xanh” cho Hà Nội.

Việc bảo vệ này phải dựa trên nguyên tắc tạo thêm sức chống đỡ cho cây xanh với nền tảng là sự hiểu biết rõ về cây và những tác động nguy hiểm của thời tiết có thể ảnh hưởng đến cây trong mùa mưa, bão.

Thực tế, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư máy móc, huy động sức người, áp dụng thêm kỹ thuật cắt tỉa nhằm gia tăng sức chống đỡ cho cây xanh trước mùa mưa, bão, giữ an toàn cho người dân. Cây xanh còn được hệ thống hóa và ứng dụng công nghệ số để quản lý nhằm từng bước đồng bộ mảng xanh, tạo cảnh quan chung cho đô thị.

Dịp hè, trên nhiều tuyến phố, dễ thấy hình ảnh công nhân miệt mài xử lý những cành cây nặng tán, những đoạn sâu, mục. Sau cắt tỉa, xử lý, cây gọn gàng, an toàn hơn mà vẫn bảo đảm được nhiệm vụ tạo bóng mát cho thành phố. Tình trạng cây đổ, cành gãy… giảm đáng kể. Theo kế hoạch của năm 2019, sẽ có hơn 67.000 cây ở 435 tuyến đường phố được cắt tỉa, trong số này có hơn 30.000 cây nặng tán.

Tuy nhiên, cây xanh ở Hà Nội cũng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại, nếu không được phát hiện, xử lý sớm thì có thể gây thiệt hại cho con người, tài sản, nhất là trong mùa mưa bão. Ngoài quy luật phát triển và suy thoái tự nhiên, cây xanh còn bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan, thậm chí là chính những hành động phá hoại của con người. Có thể kể tới tình trạng sâu, mục gốc, thân, cành; bị bê tông hóa xâm lấn khiến rễ cây thiếu nguồn dinh dưỡng, không phát triển được; bị dông gió mạnh quật đổ… Đô thị hóa với nhiều nhà cao tầng cộng thêm hiện tượng nhà kính, sự nóng lên của trái đất cũng tạo ra hiện tượng hút gió tại những khu vực này, đặc biệt gây nguy hiểm cho cây xanh.

Trước tất cả những hiện tượng trên, việc bảo vệ cho hệ thống cây xanh bóng mát của Hà Nội an toàn trong mùa mưa, bão phải là việc làm thường xuyên, có kế hoạch, được quan tâm ở cả góc độ kỹ thuật về cây xanh lẫn yêu cầu về hài hòa môi trường sống.

Cụ thể, kế hoạch về cắt tỉa cây xanh hằng năm và nhất là trước mùa mưa, bão phải tiếp tục được duy trì chủ động, hiệu quả. Qua đây, ngành chức năng sẽ phát hiện sớm (không chỉ bằng cảm quan mà bằng chuyên môn sâu) những cây có nguy cơ gãy, đổ nhằm kịp thời có giải pháp bảo đảm an toàn, đồng thời giúp cây chống chọi được với mưa, bão.

Việc cắt tỉa cây cũng tuân thủ những yêu cầu về thẩm mỹ và kỹ thuật như hài hòa tỷ lệ chiều cao và ngọn, đường kính tán, hình thái tán, phù hợp với không gian, cảnh quan của tuyến phố. Đặc biệt, bảo vệ cây xanh, gia tăng sức chống đỡ cho cây cũng không chỉ thực hiện theo kế hoạch mà cần chuẩn bị lực lượng ứng trực, xử lý các sự cố đột xuất, luôn ưu tiên can thiệp trước với những cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, cây có cành sâu mục…

Thêm sức chống đỡ cho cây xanh trong mùa mưa bão cũng không phải là nhiệm vụ của riêng ngành nào, lực lượng nào. Ở đây, mỗi người dân đều cần có ý thức bảo vệ cây xanh nói chung, phát hiện, cảnh báo cho địa phương, ngành chức năng những trường hợp cây nguy hiểm để xử lý kịp thời, ngăn ngừa cây gãy, đổ, giữ an toàn cho cộng đồng.

Hà An