Bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại trang trại quy mô 20.000 con
Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:19, 25/06/2019
(Ảnh minh họa: Huỳnh Sử/TTXVN) |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn 24 xã thuộc 8 huyện, thành phố của Đồng Nai, gồm: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Long Thành, Tân Phú và thành phố Biên Hòa; trong đó, bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, chỉ tính riêng huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom đã có 15 xã phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Đặc biệt, Đồng Nai đã ghi nhận ổ bệnh lớn nhất từ trước đến nay tại trại lợn của Công ty chăn nuôi lợn Phú Sơn (huyện Trảng Bom) với tổng đàn gần 20.000 con.
Đây là ổ bệnh quy mô rất lớn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sắp tới, Cục Thú y sẽ làm việc với Đồng Nai, bàn phương án xử lý vấn đề này.
Từ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã tiêu hủy khoảng 25.000 con lợn, các địa phương đã chi số tiền rất lớn để hỗ trợ các hộ có lợn phải tiêu hủy.
Dự báo thời gian tới, số lợn phải tiêu hủy vì bệnh dịch sẽ tăng lên, với quy định tiêu hủy và cơ chế hỗ trợ như hiện nay, nguồn ngân sách sẽ không đáp ứng đủ.
Theo ông Trần Văn Quang, bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở Đồng Nai có tốc độ lây lan nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do hộ chăn nuôi thực hiện không đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống bệnh. Nhiều trang trại, dù có quy mô hàng nghìn con nhưng chuồng trại thô sơ, điều kiện vệ sinh kém.
Ngoài ra, hiện mầm bệnh đã xâm nhiễm vào nguồn nước sông, suối, khi người nuôi lợn sử dụng nguồn nước này thì bệnh xâm nhiễm vào trại nuôi.
Để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, Đồng Nai chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khủ trùng; tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ lợn cũng như các sản phẩm từ lợn; xử lý nghiêm việc giết mổ trái phép, vận chuyển lợn mắc bệnh; nghiêm cấm hành vi mua, bán thức ăn dư thừa làm thức ăn cho lợn, tỉnh sẽ không áp dụng hỗ trợ đối với các hộ nuôi lợn (có lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy) cố tình sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi.