Thúc đẩy phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ dẫn đầu cả nước
Chính trị - Ngày đăng : 12:58, 25/06/2019
Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã nêu bật những kết quả hợp tác, phát triển của Vùng. Đồng thời, đồng chí đề xuất các giải pháp trọng tâm để Bắc Bộ trở thành vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột phá chiến lược. Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển hiện đại hoá mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Kết quả hợp tác, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Thứ nhất, về giao thông vận tải: Về đường bộ, nhiều dự án đầu tư xây dựng phục vụ kết nối liên vùng tiếp và khớp nối kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết tiếp tục được các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí vốn đầu tư để khởi công hoặc hoàn thiện, nâng cấp.
Về hạ tầng hàng không: Dự án Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố Hải Phòng được hoàn thiện trong năm 2016 đã đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không của thành phố Hải Phòng, vùng duyên hải Bắc Bộ và thực hiện vai trò sân bay dự bị đầy đủ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Về hạ tầng cảng biển: Hai bến khởi động của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đã được đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2018. Thành phố Hải Phòng đang tích cực kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về giao các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện.
Thứ hai, về thương mại, du lịch: Các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì nhiều chương trình kết nối, quảng bá, giao thương thông qua các sự kiện xúc tiến đầu tư, hội chợ, hội nghị, triển lãm... Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ, trong đó có sự tham gia của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thứ ba, về công nghiệp, điện năng: Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã triển khai một số hoạt động liên kết trên các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt cung cấp điện cho các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương.
Thứ tư, về nông nghiệp: Các tỉnh, thành phố đã triển khai một số hoạt động liên kết trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; trao đổi, học hỏi, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật; an toàn thực phẩm; tiêu thụ nông sản, hàng hóa; thủy lợi - phòng chống thiên tai.
Thứ năm, về tài nguyên môi trường: Ngành Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh đã phối hợp trong khảo sát, thống nhất giá đất cụ thể tại các khu vực giáp ranh.
Thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Hồng với việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư 11 dự án xử lý chất thải rắn.
Các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái lưu vực sông Cầu ban hành theo Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ sáu về văn hóa - xã hội: Về văn hóa, tiếp tục duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa lớn với sự tham dự của các địa phương trong vùng. Về y tế, ngành Y tế Hà Nội đã tiến hành khảo sát tại các bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quốc tế Hải Phòng… trong việc xây dựng, thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Tim mạch của bệnh viện Tim Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện dự án Nored của Bộ Y tế. Về khoa học và công nghệ: Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học liên quan đến những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, môi trường.
Vai trò của thành phố Hà Nội trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Từ năm 2016 đến nay, kinh tế của Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, có đóng góp tích cực trong tăng trưởng của Vùng và cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, cách tính mới) bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 7,19%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (6,74%) và cả nước (6,7%); dự kiến 5 năm 2016-2020 đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra.
Mô hình tăng trưởng chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng chiều sâu, năng suất và hiệu quả. Mức độ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) được cải thiện so với giai đoạn trước. Tính chung giai đoạn 2016-2018, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP đạt 51,9% (cao hơn so với giai đoạn trước là 31,2%), đóng góp của vốn là 44,6% và của lao động là 3,6%.
Huy động được nguồn lực lớn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2018 đạt 927,88 nghìn tỷ đồng bằng khoảng 36,4% GRDP (cách tính mới), chủ yếu tập trung trong các ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng (khoảng 98%).
Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được tăng cường. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI xếp thứ 09/63. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc. Đã trình và được Bộ Chính trị thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; Công tác quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đặc biệt, vừa qua, Hà Nội đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai; chuẩn bị kỷ niệm 20 năm được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình” và quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Với những kết quả đó, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ và ngày càng đóng góp quan trọng đối với kinh tế của cả nước.
Kiến nghị Trung ương quan tâm, xem xét một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển Vùng
Nhằm thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực hiện sứ mệnh của mình, thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm nghiên cứu một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
(1) Sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch Vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển của Vùng.
(2) Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với tính đặc thù của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, chú ý đến phát huy và khai thác các tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương.
(3) Quan tâm chỉ đạo triển khai Kế hoạch điều phối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó ưu tiên hệ thống hạ tầng khung; Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; y tế chuyên sâu, phòng chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường; du lịch văn hóa gắn với văn minh sông Hồng; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng…
(4) Tiến hành đánh giá kết quả về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị của Vùng, đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng liên tỉnh quan trọng; ưu tiên phát triển hiện đại hóa mạng lưới giao thông vận tải, hạ tầng khu công nghiệp, du lịch, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở cho từng địa phương.
(5) Các địa phương trong Vùng tiếp tục đề cao trách nhiệm và tính chủ động trong liên kết phát triển liên kết vùng để cùng khai thác các tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và toàn Vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung của Vùng...