Cộng hưởng để phát triển mạnh mẽ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:47, 26/06/2019
Nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2018, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang có sự phát triển tăng tốc so với cả nước, với các vùng kinh tế trọng điểm khác và cả so với mục tiêu đề ra (tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt hơn 9%). Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội của Vùng cũng còn không ít tồn tại, khó khăn. Cụ thể, ngành dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào kinh tế của Vùng, nhưng tốc độ tăng trưởng chưa bền vững.
Các tỉnh, thành phố của Vùng đều định hướng phát triển công nghiệp điện tử, phần cứng nhưng chỉ có Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đã thu hút được các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Samsung, LG, Microsoft, Canon,… và cũng mới chỉ dừng lại ở gia công, lắp ráp phần cứng. Đặc biệt, phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên...
Những hạn chế trên đã được chỉ rõ tại hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ diễn ra sáng ngày 25-6 tại tỉnh Hưng Yên. Trong đó nhấn mạnh yếu tố liên kết giữa các tỉnh trong Vùng còn yếu, “mạnh ai nấy làm”, dừng lại ở "phép cộng". Điều đó dẫn đến các địa phương trong Vùng chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho phát triển; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế.
Hà Nội được coi là trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhận thức rõ vai trò này, thời gian qua, Hà Nội đã chủ động xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa với các địa phương trong Vùng. Một trong những điểm nhấn là khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản thực phẩm, hình thành xây dựng các chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ, cơ bản kiểm soát được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Để phát huy hơn nữa liên kết ở lĩnh vực này, ở chiều ngược lại, các địa phương cần tạo nên các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn của chuỗi sản xuất khi cung cấp cho Thủ đô.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, các địa phương trong Vùng cần phối hợp rà soát các quy hoạch, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch liên kết phát triển du lịch, giao thương, xúc tiến thương mại; tập trung phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của những ngành công nghiệp có lợi thế, hàm lượng kỹ thuật cao. Ðồng thời, điều phối giải quyết các vấn đề chung của vùng như bảo vệ môi trường; phòng, chống tệ nạn, an ninh trật tự…
Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh dẫn dắt đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính - ngân hàng đạt đẳng cấp quốc tế.
Trong bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có nhiều thuận lợi, hội đủ yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hơn lúc nào hết, các địa phương cần đồng hành, tăng cường hợp tác, tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ, cùng phát triển.