Thủ tục hành chính - Điểm nghẽn cần tháo gỡ của vùng KTTĐ Bắc Bộ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:59, 26/06/2019
Điểm nghẽn “quy trình”
Vùng KTTĐ Bắc Bộ là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và là vùng kinh tế lớn thứ 2 của cả nước (chiếm 32% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 30% xuất khẩu cả nước). Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Chưa phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng; sức cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng còn hình thức và chưa đi vào thực chất; xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch chưa được chú trọng…
Trong cùng một vùng KTTĐ nhưng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giữa các địa phương chưa đồng đều, thậm chí có sự chênh lệch lớn. Nếu PCI của Quảng Ninh đứng thứ nhất thì Hưng Yên lại đứng thứ 58 trên tổng 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Bà Hương Trần Kiều Dung nói về những “điểm nghẽn” quy trình trong cải cách hành chính. |
Tại hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC thẳng thắn chỉ rõ, các địa phương tại vùng KTTĐ Bắc Bộ có mục tiêu cạnh tranh thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhưng từ mong muốn đến thực hiện có khoảng cách. Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo bà Dung, đến từ yếu tố quy trình, từ quy trình thực hiện đến quy trình phối hợp. Trong đó, nút thắt ở quy trình thực hiện là đang xảy ra tình trạng mỗi địa phương hiểu một cách khác nhau khi hướng dẫn thủ tục cho nhà đầu tư, thậm chí ngay cả trong một địa phương cũng có cách hiểu thiếu nhất quán.
“Quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và Luật Nhà ở đang có những điểm lệch pha dẫn đến những cách hiểu và cách áp dụng khác nhau. Hậu quả là nhiều địa phương phải 'xếp hàng lên bộ' xin ý kiến, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của địa phương, đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp”, Tổng Giám đốc FLC cho biết.
Yếu tố thứ hai là quy trình phối hợp. Theo bà Dung, vấn đề cải cách hành chính đang rất được quan tâm nhưng vấn đề cải cách quy trình nội bộ trong chính các cơ quan nhà nước lại chưa được đề cập nhiều, từ quy trình phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong một địa phương, giữa các vụ của một bộ chuyên ngành, giữa các bộ với nhau và giữa các địa phương với các bộ, ngành trung ương.
Chính điều này khiến doanh nghiệp phải chờ đợi vài ba tháng mới có được một văn bản trả lời từ một bộ, ngành hay thậm chí, không ít trường hợp phải chờ cả năm mới có đủ ý kiến phản hồi của các cơ quan nhà nước.
“Chúng tôi nhận thấy, việc triển khai các thủ tục đầu tư ở vùng Nam Trung Bộ trở vào được thống nhất và nhanh gọn hơn so với khu vực Bắc Bộ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng”, bà Dung cho hay.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc FLC nhận xét, chi phí thực hiện thủ tục hành chính tại vùng KTTĐ Bắc Bộ cũng đang khá cao so với mặt bằng cả nước. Đơn cử như nhóm thủ tục xây dựng ở vùng KTTĐ Bắc Bộ đang cao gấp hơn hai lần trung bình toàn quốc. Riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía Bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục. Tỷ lệ này trung bình cả nước là 67%, miền Nam 24% và miền Trung 61%.
Góp ý cho vấn đề thủ tục, bà Dung kiến nghị, khi một địa phương có vướng mắc xin ý kiến thì các bộ, ngành cần chủ động ra văn bản hướng dẫn chung để các địa phương khác gặp trường hợp tương tự có căn cứ thực hiện. Thay vì như hiện nay, cùng một vấn đề nhưng nhiều địa phương cùng làm văn bản hỏi bộ mà không dám áp dụng theo như văn bản mà bộ chuyên ngành đã trả lời cho địa phương khác.
Bài toán nhân lực
Bàn về các giải pháp liên kết phát triển vùng KTTĐ Bắc Bộ, các đại biểu dự hội nghị cho rằng, cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành; tập trung sâu hơn vào những vấn đề của vùng như đầu tư liên vùng, du lịch liên vùng, môi trường liên vùng…, chứ không nên tập trung vào vấn đề của từng địa phương; coi con người là vấn đề quan trọng bậc nhất nếu muốn phát huy vai trò đầu tàu của vùng KTTĐ...
Đồng quan điểm, bà Hương Trần Kiều Dung nhấn mạnh, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cũng như hướng tới việc phát triển bền vững của vùng KTTĐ Bắc Bộ thì vấn đề nhân lực luôn là yếu tố then chốt, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang “bùng nổ”.
Góp phần vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực đó, hiện nay, Tập đoàn FLC đã được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Đại học FLC có trụ sở tại Hạ Long, Quảng Ninh với mục tiêu đào tạo theo mô hình thực nghiệm đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt trong ba lĩnh vực là hàng không, du lịch, công nghệ cao.
Tổng Giám đốc FLC kỳ vọng, với sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thì việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, xã hội hóa công tác đào tạo sẽ ngày càng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng KTTĐ Bắc Bộ cũng như đất nước.