Hòa bình cho Trung Đông: Cánh cửa vẫn khép

Thế giới - Ngày đăng : 06:38, 27/06/2019

(HNM) - Bất chấp những phản ứng của chính quyền Palestine, ngày 25-6, Mỹ vẫn khởi động giai đoạn đầu tiên của kế hoạch hòa bình Trung Đông mới bằng Hội nghị kinh tế tại Bahrain với chủ đề

Người Palestine biểu tình phản đối Hội nghị kinh tế tại Bahrain.


Trọng tâm trong kế hoạch của Nhà Trắng hướng tới 4 mục tiêu chính, gồm: Tăng gấp đôi giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Palestine, tạo ra hơn 1 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm đói nghèo cho người dân Palestine.

Theo giới quan sát, những mục tiêu trên rất khó có thể mở cánh cửa hòa bình cho Trung Đông bởi hội nghị này không có cuộc thảo luận nào bàn về giải pháp đối với những tranh chấp chính trị - vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa Palestine và Israel.

Cố vấn cấp cao Nhà Trắng đồng thời là con rể của Tổng thống Mỹ D.Trump, Jared Kushner cho biết, để triển khai kế hoạch, theo dự định, các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp khoảng 50 tỷ USD trong vòng 10 năm. Trong đó, 28 tỷ USD sẽ rót về các vùng lãnh thổ của Palestine, gồm Bờ Tây do Israel chiếm đóng và Dải Gaza, 7,5 tỷ USD dành cho Jordan, 9 tỷ USD dành cho Ai Cập và 6 tỷ USD dành cho Lebanon. Ngoài ra, trong số 179 dự án kinh doanh và cơ sở hạ tầng được đề xuất có dự án hành lang vận tải trị giá 5 tỷ USD kết nối Bờ Tây và Dải Gaza.

Tuy nhiên, trong bản kế hoạch được cho là “Thỏa thuận thế kỷ” này không có bất cứ một giải pháp chính trị nào được đề cập, đặc biệt là vấn đề Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Trong khi đó, mô hình giải pháp được Liên hợp quốc ủng hộ từ trước tới nay đều dựa trên nguyên tắc hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình, Israel phải rút khỏi vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép. Nếu không giải quyết được những vấn đề nói trên thì không thể có được hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, điều quan trọng đối với tiến trình hòa bình Trung Đông là thúc đẩy nỗ lực theo đuổi hòa bình để hiện thực hóa mục tiêu "hai nhà nước". Nói cách khác, việc hỗ trợ tài chính và viện trợ kinh tế để Palestine xây dựng nhà nước và phát triển chỉ là vấn đề thuộc giai đoạn tiếp theo.

Đây là lý do Hội nghị kinh tế tại Bahrain vấp phải phản ứng gay gắt của chính quyền Palestine. Hàng trăm người dân Palestine đã xuống đường bày tỏ phản đối sự kiện ở Bahrain. Một số người biểu tình ở Ramallah yêu cầu ngừng hội nghị Bahrain và mang theo những tấm bảng có dòng chữ “Thỏa thuận thế kỷ là cam chịu”. Bên cạnh đó, phía Palestine tái khẳng định lập trường bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, đồng thời cho rằng kế hoạch này đã thiên vị Israel.

Theo các nhà phân tích, Washington đang tiếp cận vấn đề Trung Đông theo hướng phục vụ lợi ích của chính nước Mỹ và đồng minh chiến lược Israel. Việc Tel Avip sáp nhập các bộ phận của Bờ Tây và đưa Đông Jerusalem làm thủ đô sẽ gây ra phản ứng từ cộng đồng quốc tế.

Đây là sự vi phạm các cam kết pháp lý của Israel theo các nghị quyết của Liên hợp quốc và các thỏa thuận giữa Israel và Palestine. Hơn nữa, sự thôn tính có thể là "hồi chuông báo tử" cho sự hợp tác vốn ít ỏi giữa Israel và Palestine.

Cũng có ý kiến cho rằng, Chính phủ của Tổng thống D.Trump đang muốn dùng hội nghị Bahrain để thúc đẩy mối quan hệ thân thiết giữa các nước Arab giàu có với Israel, từ đó củng cố liên minh chống Iran.

Dù mới trong giai đoạn khởi động, song “Thỏa thuận thế kỷ” đã ẩn chứa nhiều yếu tố báo hiệu về một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Một bản kế hoạch không dựa trên sự cân bằng về lợi ích cho các bên mà chỉ nhằm phục vụ toan tính của Mỹ và đồng minh trong khu vực có khả năng sẽ đẩy tình hình Trung Đông vốn đã rối ren càng thêm lún sâu vào khủng hoảng.

Quỳnh Dương