Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:38, 27/06/2019
Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân trong chuyến công tác đối ngoại lần này có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Tháp tùng Thủ tướng và Đoàn còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Hội nghị G20 là diễn đàn cấp cao lãnh đạo cơ quan hành pháp của 19 quốc gia phát triển, Lãnh đạo EU, một số chủ thể tài chính quốc tế như IMF, WB..., và lãnh đạo một số nền kinh tế đang trỗi dậy. Trong khuôn khổ của hội nghị còn có các hội nghị của các bộ trưởng liên quan. G20 có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế G20 chiếm 2/3 dân số toàn cầu, nằm trên một nửa diện tích mặt đất của địa cầu, sản xuất ra 90% tổng sản phẩm toàn thế giới và 80% giao dịch thương mại quốc tế liên quan tới các nền kinh tế này.
G20 là hội nghị cấp cao lớn nhất từ trước tới nay mà Nhật Bản tổ chức, đặc biệt có ý nghĩa đối với nước chủ nhà vì đây là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên khi triều đại Reiwa - Lệnh hòa mới bắt đầu.
Việt Nam là một trong 8 nước khách mời đặc biệt của nước chủ nhà Nhật Bản dự Hội nghị G20 lần thứ 14. Năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam tham gia G20 với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Điều này thể hiện vị thế quan trọng của Việt Nam trong nền chính trị thế giới và nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, có tác động phần nào tới nền kinh tế toàn cầu.
Việc được mời tham dự Thượng đỉnh G20 lần này tại Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam nói tiếng nói cùng những nền kinh tế đang nổi, góp phần vào việc giải quyết những vấn đề chung của nền kinh tế thế giới, duy trì trật tự và xu thế kinh tế quốc tế, đáp ứng lợi ích của mọi nền kinh tế, chống lại những xu thế tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu.