Bệnh sốt xuất huyết: Chớ coi thường!
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:58, 28/06/2019
Theo quy luật, từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Thế nhưng, năm nay dịch đến khá sớm. Ngay từ tháng 3 đã ghi nhận khá nhiều ca mắc.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Mấy tuần gần đây, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có dấu hiệu gia tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 16-6 đến 23-6), Hà Nội ghi nhận 110 trường hợp mắc sốt xuất huyết, nâng số mắc của toàn thành phố từ đầu năm đến nay là 658 ca. Ở tuần liền trước, số ca mắc là 77. Bệnh nhân phân bố tại tất cả các quận, huyện.
Còn trên cả nước, tính đến ngày 10-6, hơn 62.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết đã được ghi nhận, trong đó có 4 ca tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau. Nếu đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc lại vì có thể bị ở chủng khác. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu nên nếu là sốt xuất huyết thông thường, chỉ cần theo dõi, bổ sung nước, oresol, dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, với trường hợp nặng hơn cần đi khám để được bác sĩ theo dõi.
Những ngày qua, nắng nóng liên tiếp diễn ra trên diện rộng. Thông thường, sau mỗi đợt nắng nóng là có mưa rào. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Để phòng sốt xuất huyết, cần tránh bị muỗi đốt bằng việc nằm ngủ mắc màn, thoa kem chống côn trùng. Cùng với đó, các gia đình tích cực dọn dẹp nhà cửa, các dụng cụ chứa nước như chum, vại, lọ hoa... nhằm diệt bọ gậy; giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ; phun thuốc diệt muỗi trưởng thành...