Chăn nuôi an toàn sinh học: Giải pháp hữu hiệu phòng, chống dịch bệnh
Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:31, 28/06/2019
Một mô hình chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP tại Hà Nội. |
Hạn chế dịch bệnh
Những ngày này, mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở các địa phương lân cận, nhưng trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Quang Long, xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) vẫn phát triển tốt. Ông Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình tôi đã xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi khép kín; đàn lợn 100 con được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định nên không bị dịch bệnh, giá bán luôn ổn định từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg”.
Tương tự, trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng tới chăn nuôi lợn của các hộ dân xung quanh, song giữa “bão dịch”, 350 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm của hợp tác xã vẫn phát triển ổn định. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ Nguyễn Văn Thanh cho biết, hợp tác xã đã tuân thủ triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Giữ đàn lợn trong môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt; chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt, tạo sức khỏe và sức đề kháng cho đàn lợn; kiểm soát chặt chẽ khu vực chăn nuôi từ các khâu như: Diệt côn trùng, chuột, bọ, sát trùng khu vực chăn nuôi ít nhất 2 lần/ngày.
Đối với gia cầm, mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của gia đình bà Đỗ Thị Thứ ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) là một điển hình. Bà Thứ kể, sau khi gặp rủi ro vì dịch bệnh, bà đã sang Nhật Bản để học tập và tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học. Trở về, bà bắt tay vào kinh doanh mô hình nuôi gà đẻ trứng với quy mô 34.000 con gà theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, mỗi năm trang trại cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thì chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người chăn nuôi chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh, hạn chế rủi ro. “Thực tế, hơn 4 tháng qua, kể từ khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố, hầu hết cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đều không bị nhiễm bệnh dịch”, ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.
Tháo gỡ khó khăn
Hiệu quả tích cực từ chăn nuôi an toàn sinh học đã được khẳng định và minh chứng trong thực tiễn thời gian qua, tuy nhiên, việc triển khai mô hình này đang gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Viết Nhã, ở xã Kim Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học yêu cầu người nuôi phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn kỹ thuật, từ khâu lựa chọn nguồn con giống, chăm sóc hằng ngày, đến tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh môi trường và cách ly chuồng trại hợp lý… "Riêng việc tiêm vắc xin, người nuôi phải xây dựng lịch trình theo dõi; còn việc xử lý chuồng trại được sử dụng chế phẩm sinh học để giảm thiểu ô nhiễm... Nếu không kiên trì, quyết tâm, người chăn nuôi sẽ khó áp dụng được mô hình này", ông Nguyễn Viết Nhã chia sẻ.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, do chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% cơ sở, nên việc áp dụng phương thức nuôi an toàn sinh học trên địa bàn thành phố mới chỉ dừng lại ở các trang trại quy mô lớn, chưa phát triển rộng rãi tới các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học cao hơn 10% so với chăn nuôi truyền thống. Hơn nữa, nông dân vẫn giữ thói quen “nhớ đâu làm đó” hoặc dựa vào kinh nghiệm, trong khi chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học phải đầu tư bài bản từ chuồng trại, tới ghi chép sổ sách, nhật ký chăm sóc, dẫn tới nhiều hộ còn lúng túng...
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi đúng để Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm sạch, giảm ô nhiễm môi trường... Theo đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ cho người dân về xây dựng công trình khí sinh học; kinh phí đầu tư đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức các hội chợ kết nối giữa người sản xuất với doanh nghiệp, qua đó người sản xuất có thể bán trực tiếp sản phẩm cho các doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích chăn nuôi an toàn sinh học, để nhân rộng mô hình. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... đến người chăn nuôi; đồng thời, tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ về vốn, quỹ đất, định hướng về thị trường, minh bạch các thông tin về sản phẩm để chăn nuôi an toàn sinh học phát triển rộng rãi.