Liên thông văn bản điện tử: Đã rõ hiệu quả cải cách
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 07:18, 29/06/2019
Các bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, chỉ tính riêng giai đoạn từ ngày 12-3 đến 27-5-2019, đã có 36.327 văn bản gửi và 105.325 văn bản nhận “đi qua” trục liên thông văn bản quốc gia. Một số đơn vị tích cực triển khai việc này là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đồng Nai… Đối với việc triển khai chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp trên 150.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương; cấp 96/154 (62%) chữ ký số cho lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và 118/262 chữ ký số cho lãnh đạo các địa phương.
Đánh giá sơ bộ cho thấy, việc gửi, nhận văn bản điện tử mang lại rất nhiều tiện ích. Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, việc kết nối gửi, nhận văn bản qua trục liên thông văn bản quốc gia rất thuận lợi, giảm lượng phát hành văn bản giấy, là bước cải cách lớn, giúp cơ quan nhà nước giải quyết nhanh chóng, hiệu quả công việc...
Song, do mới ở giai đoạn bước đầu nên quá trình triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia còn phát sinh một số lỗi như: Không gửi, nhận được văn bản; văn bản gửi không đến được nơi nhận; nhiều văn bản gửi qua trục liên thông không tuân thủ thời gian gửi, nhận. Theo đại diện thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, để khắc phục cần hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm không hình thành hai hệ thống văn thư vừa giấy vừa không giấy. Tiếp đó là cần đặc biệt chú ý đến tính bảo mật, nêu rõ loại văn bản nào không được gửi điện tử.
Với việc tích hợp chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử, số liệu Văn phòng Chính phủ công bố ngày 29-5-2019 cho thấy, tỷ lệ gửi văn bản có tích hợp chữ ký số còn thấp, nhất là Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, các tỉnh Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Bình. Lý do được đưa ra là để bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản điện tử và quy định ban hành và phát hành văn bản, văn bản điện tử phát hành phải có tối thiểu 6 chữ ký số. Đối với các văn bản có kèm phụ lục, số lượng chữ ký số trên một văn bản sẽ rất lớn. Điều này làm tăng đáng kể dung lượng đường truyền và thời gian xác thực chữ ký số, phát sinh thêm công việc, quy trình cho đội ngũ cán bộ văn thư. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải tốn nhiều thời gian và công sức nâng cấp phần mềm quản lý văn bản để đáp ứng giải pháp kỹ thuật ký số.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc chuyển toàn bộ văn bản giấy sang văn bản điện tử giúp tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm từ tiền giấy in ấn, gửi bưu phẩm, bưu kiện… Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm mạnh mẽ hơn, lấy đây làm đòn bẩy cải cách của Chính phủ. Trên cơ sở nền tảng số, tiến tới sẽ không để người dân, doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với cán bộ, công chức thực thi công vụ. “Quá trình triển khai, lấy ví dụ một cán bộ văn thư ở địa phương nếu giỏi sẽ làm tốt việc này, nếu không giỏi sẽ đổ lỗi cho máy tính.
Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu, triển khai và sử dụng chữ ký số. Ngoài ra, để khắc phục bất cập phát sinh, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ nghiên cứu phương án, ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, cấp đổi chữ ký số một cách khoa học, rút ngắn thời gian cấp đổi chữ ký số…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.