Khai thác cát bừa bãi sẽ để lại hậu quả lớn

Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 30/06/2019

(HNM) - Khai thác cát quá mức và bừa bãi khiến sông Hồng ngày càng biến dạng, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai... Nếu chậm được “giải cứu”, cái giá phải trả sẽ rất lớn.

Ông Chu Phú Mỹ.


Dòng sông biến dạng

- Khai thác cát quá mức, nhất là khai thác không phép, trái phép ở sông Hồng thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống người dân thế nào, thưa ông?

- Thực tế hiện nay, nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8m. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đáy sông Hồng bị hạ thấp nhưng chủ yếu vẫn là do việc khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Qua theo dõi, thời gian qua, không riêng thành phố Hà Nội, các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội. Việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè đoạn thuộc địa bàn huyện Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Phú Xuyên… .

- Như vậy, nếu không kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác cát quá mức, con người sẽ phải trả giá đắt?

- Đúng vậy. Thực trạng vừa nêu là nguyên nhân chính khiến mực nước sông Hồng những năm gần đây liên tục bị hạ thấp. Điều này đã làm hàng loạt công trình lấy nước ven sông không thể hoạt động hoặc nếu hoạt động thì cũng không bảo đảm công suất thiết kế. Điển hình trong vụ đông xuân năm 2018-2019, mặc dù mực nước tại Trạm thủy văn Long Biên đạt 2,2m nhưng tất cả các công trình lấy nước ven sông Hồng, như: Trạm bơm Phù Sa, cống Liên Mạc, cống Long Tửu… đều không thể hoạt động.

Để bảo đảm đủ nước sản xuất vụ đông xuân, các nhà máy thủy điện phải tăng khối lượng xả nước. Cụ thể, nếu năm 2008, các nhà máy thủy điện phải xả 2,5 tỷ mét khối bổ sung cho sông Hồng thì năm 2018 là 5,74 tỷ mét khối. Đáng lo ngại hơn, vụ đông xuân năm 2018-2019, mặc dù đã vận hành tối đa công suất của các nhà máy thủy điện nhưng trong nhiều giờ, mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn không bảo đảm ở mức 2,2m.

Ngoài việc hàng loạt công trình lấy nước ven sông không thể hoạt động, tình trạng hạ thấp mực nước đã làm hở chân các tuyến kè hiện có, dẫn đến tuổi thọ vật liệu và kết cấu mất ổn định, gây ra sự cố sụt sạt, giảm hệ số an toàn chung của các tuyến kè. Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm… là những địa phương thường xuyên xảy ra sự cố đê kè vì nguyên nhân trên.

Bên cạnh đó, việc hạ thấp đáy sông, giảm mực nước sông Hồng còn khiến nhiều cống lấy nước của thành phố Hà Nội, như: Cẩm Đình, Liên Mạc… bị "treo", thiếu nguồn bổ cập thường xuyên cho các dòng sông Nhuệ - Đáy, gây ra hiện tượng “sông chết”, ô nhiễm môi trường…

- Rõ ràng việc khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch đã gây ra nhiều hệ lụy nhưng thực tế hiện nay, tại một số khu vực giáp ranh giữa các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên của thành phố Hà Nội với các huyện Thanh Thủy, Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép. Phải chăng các cấp, các ngành còn lơi lỏng trong công tác quản lý?

- Nhiều năm nay, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố rất nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức quy hoạch và cấp giấy phép khai thác cát trong phạm vi quy hoạch. Hà Nội không cấp phép khai thác cát lòng sông, chỉ cấp phép khai thác các bãi nổi, với những quy định rất rõ về thời gian, vị trí, khối lượng...

Ngoài ra, Hà Nội thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch… Tính riêng đợt kiểm tra từ ngày 16-11-2017 đến 15-5-2018, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, kiểm tra 59 vụ với 62 đối tượng, tạm giữ 62 phương tiện (1 tàu cuốc, 60 tàu hút cát và 1 tàu chở cát vi phạm); đã xử phạt hành chính 28 đối tượng 643,5 triệu đồng, tịch thu 2 tàu hút cát…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Nguyên nhân là do đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng… Ngoài ra, một số chính quyền cấp cơ sở chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao...

Cần giải pháp căn cơ

- Việc quản lý chặt chẽ tài nguyên cát trên sông Hồng là không thể chậm trễ, vậy các sở, ngành thành phố nhập cuộc như thế nào, thưa ông?


- Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Công an Hà Nội đã và đang mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn thành phố. Trong đợt cao điểm này, Công an thành phố tập trung điều tra, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, khoáng sản, thương mại, đê điều, phòng, chống thiên tai…

Công an thành phố cũng tập trung điều tra, đề nghị xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, cấp giấy phép trái quy định của pháp luật; thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát, tiếp tay “bảo kê” hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát...

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng cung cấp thông tin về địa giới hành chính khu vực lòng sông, địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận để phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm… Sở Giao thông vận tải mở đợt cao điểm quản lý các phương tiện hoạt động đường thủy; thường xuyên kiểm tra, xử lý hoạt động bến thủy trái phép, nhất là các bến thủy có hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng gây sạt lở bờ, bãi sông, đe dọa an toàn công trình đê điều…

Sở NN&PTNT tăng cường công tác kiểm tra, lập biên bản, kịp thời kiến nghị cơ quan thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các vi phạm khai thác cát lòng sông; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát tuân thủ quy định về đất đai, tài nguyên khoáng sản, đê điều, phòng, chống thiên tai...

- Mực nước sông Hồng tiếp tục hạ thấp sẽ để lại hậu quả rất lớn, vậy theo ông, cần có được chiến lược, giải pháp “giải cứu” thế nào?

- Theo tôi, để ngăn chặn tình trạng khai thác cát quá mức, nhất là khai thác cát không phép, trái phép lòng sông Hồng bảo đảm hiệu quả bền vững, cần thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết, các bộ, ngành liên quan cần khảo sát khối lượng bùn cát trên các dòng thượng nguồn đổ về hạ du, sau đó, cân đối nhu cầu sử dụng trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Trên cơ sở đó, giao các tỉnh, thành phố quản lý, xây dựng lộ trình khai thác. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát, thông qua việc gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu với sự giám sát của nhân dân.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần siết chặt hơn hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc sử dụng cát san nền, xây dựng tại các công trình, dự án lớn, sử dụng ngân sách nhà nước… Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế, chính sách hiệu quả hơn để phát triển vật liệu cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên phục vụ san nền và xây dựng công trình...

- Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở NN&PTNT tham mưu cho thành phố những giải pháp gì để ứng phó tình trạng mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp, thưa ông?


- Để phát triển lĩnh vực trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu UBND thành phố tiếp tục chuyển đổi diện tích khó lấy nước sang cây trồng cạn; vận động nhân dân thay đổi tập quán và sử dụng phương tiện cơ giới trong làm đất, gieo cấy vụ mùa.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố rà soát, đề xuất thành phố đầu tư xây dựng các trạm bơm lấy nước sông Hồng ở mực nước thấp, không phụ thuộc dòng chảy bổ sung của hồ thủy điện.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng Trạm bơm Phù Sa, Liên Mạc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hệ thống dẫn nước sông Đà, tiếp nguồn cho sông Tích và sông Đáy để vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa làm “sống lại” các dòng sông trong lưu vực Nhuệ - Đáy…

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hữu Hoài - Kim Nhuệ