Lan tỏa lối sống đẹp

Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 30/06/2019

(HNM) - Chứng kiến nhiều cán bộ, nhân viên làm công tác bảo trợ xã hội ân cần chăm sóc đối tượng yếu thế như người thân, ai cũng nhận ra, tình cảm đó xuất phát từ tấm lòng yêu thương giữa người với người, từ trách nhiệm với công việc, không đơn giản chỉ là… cơ duyên đưa họ gắn bó với nghề như người trong cuộc thường nói.

Trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội nhận được sự quan tâm toàn diện. Ảnh: Minh Ngọc


Miệt mài gieo những yêu thương

Những ngày tháng 6-2019, thời tiết nắng nóng kéo dài, khiến sức khỏe của người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng. Nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng, chị Hoàng Thị Hoa, nhân viên Tổ nhà ăn của Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, xã Thụy An (huyện Ba Vì) cùng đồng nghiệp đã tính toán thay đổi thực đơn các bữa ăn sao cho phù hợp với thời tiết, dễ ăn mà vẫn bảo đảm dinh dưỡng. Trong không gian nhà bếp khép kín, sạch sẽ, chị Hoa nhanh tay sơ chế nguyên liệu tươi sống, chế biến thành những món ăn hấp dẫn như chả cá, đậu nhồi thịt, rau củ luộc mềm, cháo, bột dinh dưỡng…

Vừa làm, chị Hoa vừa kể: “Hằng ngày, chúng tôi chuẩn bị ba bữa ăn cho hơn 300 người già tàn tật, cô đơn và trẻ em bị khuyết tật, bỏ rơi. Mỗi người có một số phận, hoàn cảnh khác nhau, có nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt khác nhau, nhưng giống nhau ở thể trạng yếu và thiếu thốn tình cảm gia đình. Hiểu rõ điều đó, thông qua mỗi bữa ăn, chúng tôi muốn gửi gắm sự quan tâm, chia sẻ bằng chất lượng, bằng thái độ phục vụ nhất mực yêu thương, tôn kính”.

Trường hợp khác mà chúng tôi gặp là anh Nguyễn Đình Toàn, cán bộ Phòng Y tế - Tiếp nhận - Quản lý đối tượng của Trung tâm Bảo trợ xã hội IV, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì). Vào những ngày oi bức, số người cần tư vấn, theo dõi về sức khỏe tăng lên, song không vì bận công việc chuyên môn mà anh Toàn ít quan tâm đến các nhu cầu khác của đối tượng.

“Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, tôi thường hướng dẫn các cháu trong trung tâm làm nghề mộc, giúp họ rèn luyện sức khỏe và có thêm kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng”, anh Nguyễn Đình Toàn cho hay.

Ngoài những trường hợp nêu trên, thành phố Hà Nội còn nhiều cán bộ, nhân viên làm công tác bảo trợ xã hội miệt mài gieo những yêu thương cho đời, tận tình giúp đỡ, chăm sóc cho những mảnh đời kém may mắn như anh Chu Văn Hưng, cán bộ Phòng Tiếp nhận quản lý giáo dục dạy nghề, Trung tâm Bảo trợ xã hội I, xã Dục Tú (huyện Đông Anh); chị Đỗ Thị Tuyết, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Bảo trợ xã hội II, xã Viên An (huyện Ứng Hòa); chị Đào Thị Huyền, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, xã Yên Bài (huyện Ba Vì)…

Nhân lên những lối sống đẹp


Trao đổi với chúng tôi, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, đặc thù của công tác bảo trợ xã hội đòi hỏi người làm nghề phải có trái tim nhân ái, lòng bao dung, tinh thần làm việc nhiệt huyết, không ngại khó khăn, gian khổ… Do đó, tự bản thân mỗi người gắn bó với nghề này đã là những người tốt, việc tốt.

Tuy nhiên, để lối sống đẹp, hành động nhân văn lan tỏa, thấm sâu, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phát động thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với xây dựng văn hóa ứng xử nơi công sở đến từng cơ quan, đơn vị.

“Thông qua các phong trào thi đua, mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội có thêm nhiều cán bộ, nhân viên làm việc với tinh thần: Phục vụ đối tượng như phục vụ người thân. Đó là yếu tố nền tảng giúp đối tượng yếu thế tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội IV nhận định.

Sống với người tốt, chứng kiến những việc tốt, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã hình thành lối sống đẹp, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp.

Chị Nguyễn Thị Thu T., nhân viên thiết kế đồ họa Công ty TNHH Esoftflow có nhiều cơ sở tại Hà Nội, kể: “Tôi lớn lên cùng những người bạn, anh, chị, em có HIV tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2. Dưới bàn tay chăm sóc, dạy dỗ chu đáo của đội ngũ cán bộ, nhân viên - mà chúng tôi thường gọi là bố, mẹ, chúng tôi đã luôn sống thật tốt. Chúng tôi cũng biết phải tự tin vượt lên hoàn cảnh, chủ động xây đắp tương lai”.

Cũng lớn lên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, anh Phạm Đình Đ. thi đỗ nhiều trường đại học. Hiện tại, anh Đ. đang học Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mỏ địa chất với mong muốn trở thành một doanh nhân thành đạt, có khả năng tạo việc làm cho những người có HIV.

Đáng trân quý hơn là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Tổ chức Pearl S. Buck International tại Việt Nam, trực thuộc Tổ chức Pearl S. Buck International do nhà văn Mỹ Pearl S. Buck thành lập năm 1964, nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi thiệt thòi ở châu Á.

Từ một trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV và Làng trẻ em Birla, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), chị Hạnh đã không ngừng phấn đấu trong suốt quá trình học tập, làm việc để có thể giúp đỡ nhiều trẻ em mồ côi trên mọi miền đất nước như hiện nay.

Với hướng đi và sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của cán bộ, nhân viên các trung tâm, chắc chắn gần 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hơn 2.000 đối tượng được nuôi dưỡng tại trung tâm bảo trợ xã hội sẽ có cuộc sống tốt hơn. Đó cũng là giải pháp khả thi để Hà Nội đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống.

Hà Hiền