Người Hà Nội chung tay xây dựng “nơi đáng sống”
Văn hóa - Ngày đăng : 17:39, 01/07/2019
Thay đổi từ ngõ, xóm, phố
Những ngày hè oi ả, đến thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, mọi người đều có cảm giác dễ chịu khi đi trên đường làng được rải nhựa sạch sẽ, rợp bóng cây. Ông Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn An Vọng, cũng là người từng nhiều năm giữ vai trò trưởng thôn, bày tỏ, nhiều năm nay, bà con ở thôn luôn đồng hành trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, không chỉ ở việc giữ gìn cảnh quanh thôn xóm sạch đẹp mà còn trong cả cách ứng xử, giao tiếp hằng ngày.
Thôn An Vọng kêu gọi người dân đổ rác đúng nơi quy định bằng những khẩu hiệu thân tình. |
Ông Trần Quang Huy cho biết, trước đây, một số người chưa bỏ được thói quen đổ rác không đúng nơi quy định, nhưng sau thời gian vận động “có tình, có lý”, bà con đã nghe ra. Thay vì dùng biển “Cấm đổ rác” như thường thấy, cán bộ thôn đã sử dụng các bảng biển với câu chữ thân tình như: “Bà con ơi, đổ rác đúng nơi quy định” hay “Bà con ơi, cùng giữ vệ sinh nhé”… Ấy thế là bà con thực hiện rất nghiêm túc. Thôn An Vọng hiện đang trở thành điểm sáng của địa phương trong việc thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa.
Tại cuộc kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại quận Thanh Xuân vào tháng 6 vừa qua, bà Nguyễn Lệ Hằng, ở tổ dân cư số 1, phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) hồ hởi cho biết, việc xây dựng nếp sống văn minh được người dân khu phố hưởng ứng, chung tay thực hiện từ những việc nhỏ. Mỗi tối, sau giờ ăn cơm, bà Nguyễn Lệ Hằng thường cùng các con dạo bộ, rồi bóc, gỡ các tờ rơi quảng cáo được dán trên cột điện.
“Các cột điện nhằng nhịt giấy quảng cáo rao vặt, nhìn rất mất mỹ quan. Chúng tôi bảo nhau, nếu nhìn thấy thì chủ động bóc, bỏ đi. Một việc nhỏ là thế, nhưng khu phố nhìn sạch sẽ hẳn”, bà Nguyễn Lệ Hằng nói.
Cũng ở phường Thanh Xuân Nam, bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư số 7 kể câu chuyện mà người dân khu phố đang hằng ngày thực hiện nhằm xây dựng môi trường văn hóa. “Chúng tôi có nhiều hình thức sinh hoạt phong phú như trồng cây xanh, quét dọn, vệ sinh đường phố hằng tuần, tổ chức nhiều buổi quyên góp quần áo từ thiện… Dù chưa có nhà văn hóa cộng đồng, điều kiện hạ tầng chưa được đầy đủ nhưng chúng tôi cố gắng tạo môi trường sống dễ chịu để mỗi người dân thêm yêu khu phố của mình”, bà Lương nói.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố đã thu được một số kết quả. Nhiều làng, tổ dân phố ở các địa phương đã triển khai xây dựng quy ước, hương ước, trong đó có bổ sung nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội… Bởi thế, nếp sống văn hóa ở nhiều khu phố, thôn, xóm, từ nội thành đến ngoại thành đã có sự chuyển biến, thay đổi đáng kể.
Không ai đứng ngoài cuộc
Sở VH-TT Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn thành phố có 29/30 quận, huyện, thị xã có các thiết chế văn hóa, thể thao; 143/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã… Toàn thành phố có 1.524/2.538 làng được trao danh hiệu “Làng văn hóa”, đạt 60% (năm 2018); 3.580/5.422 tổ dân phố là “Tổ dân phố văn hóa”, đạt 71%…
Một tuyến đường ở quận Thanh Xuân. |
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thành phố Hà Nội đạt hiệu quả cao so với mặt bằng chung toàn quốc.
Tuy nhiên, dù là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện phong trào nhưng hiện nay, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn có điểm bất cập. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân bày tỏ, một trong những niềm mong mỏi của người dân ở nhiều khu phố của quận, đặc biệt là ở những khu đô thị mới, là có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, nhiều tổ dân phố hoạt động khá mạnh nhưng lại thiếu nơi sinh hoạt chung, điều đó phần nào giảm chất lượng công tác tổ chức các hoạt động văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) cũng bày tỏ sự trăn trở, bởi nhiều hoạt động của phường mới chỉ thu hút được sự quan tâm của người cao tuổi, nhiều thanh niên vẫn thờ ơ với các hoạt động cộng đồng được tổ chức trên địa bàn. “Muốn có được môi trường sống thân thiện, an toàn, văn minh thì cần có sự chung tay của cả cộng đồng, không ai đứng ngoài cuộc”, ông Tuấn nói.
Đánh giá một cách tổng thể về phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nhận định, dù còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhưng về cơ bản, thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt nhiều nội dung đề ra. Việc lồng ghép nội dung phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”…, đời sống văn hóa, thói quen ứng xử của người dân đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Các đợt tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử đã sinh động hơn, sát với thực tiễn, gắn với nội dung giáo dục trong các trường học.
Cũng theo bà Trần Thị Vân Anh, thời gian tới thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng và tại công sở. Để có sự chuyển biến mạnh mẽ, mỗi người dân, tổ dân phố, thôn xóm cần chung tay để giữ gìn môi trường sống văn minh, hiện đại, để nơi đâu của Hà Nội cũng là “nơi đáng sống”.