Nông sản Việt Nam: Nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:56, 01/07/2019

(HNM) - Nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu có dấu hiệu chững lại

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 19,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ N&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho hay, nửa đầu năm nay, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở cửa thị trường, giải quyết vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu nông sản như: Xuất khẩu xoài sang Mỹ, Anh, Australia; măng cụt vào thị trường Trung Quốc...

Dù đạt được những kết quả nhất định, song tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2019 vẫn khá khiêm tốn so với cùng kỳ năm 2018 và có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là bởi nông sản nước ta chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều...

Trái xoài của Việt Nam được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng. Ảnh: Hải Anh


Nhìn nhận về thực trạng này, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, 6 tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, đơn cử: Hạt tiêu giảm 26,5%, gạo 16,7%, cà phê 11,8%... Trong khi đó, một số thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia đều đã nhập khẩu nông sản trong năm 2018 và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm...

Nói về những khó khăn trong tình hình hiện nay của đơn vị, Tổng Giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) Nguyễn Ngọc Nam chia sẻ, từ tháng 6-2018 đến nay, Trung Quốc áp thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, nên ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này. Trong khi đó, sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh về giá so với Thái Lan, Ấn Độ…

Với những tác động từ thực tiễn, bà Trần Thị Diệu Cương, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương mại Minh Nghĩa Thịnh (tỉnh Đồng Nai) cũng nhận định: Gần 2 tháng qua, các đơn hàng xuất khẩu nông sản của nhiều doanh nghiệp gần như bị đình đốn bởi một số nước hạn chế nhập khẩu và đưa ra yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém, nên một số đơn hàng chưa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Chú trọng xuất khẩu mặt hàng thế mạnh


Với diễn biến hiện nay, Bộ NN&PTNT nhận định, từ nay đến cuối năm 2019, xuất khẩu nông sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, các bộ, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo về các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Các bộ, ngành cần theo dõi biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc để có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, đặc biệt là thủy sản và đồ gỗ.

Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho rằng, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 43 tỷ USD, ngành Nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tác động vào những sản phẩm xuất khẩu chủ lực có triển vọng và giá trị gia tăng cao. Trong đó, hai mặt hàng lâm nghiệp và thủy sản sẽ là “cứu cánh” của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2019. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là gỗ và thủy sản cần chú trọng sản xuất những mặt hàng bảo đảm chất lượng mà các nước nhập khẩu yêu cầu.

Để hoàn thành mục tiêu của ngành Nông nghiệp đề ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung phối hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia cho một số mặt hàng nông sản chủ lực, nhất là đồ gỗ và thủy sản, trái cây…; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng và hạ giá thành sản phẩm…

Riêng về thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) được ký kết vào ngày 30-6 sẽ góp phần mở ra cơ hội, triển vọng lớn cho nông sản Việt Nam.

Để có nhiều mặt hàng được xuất khẩu, Bộ đang phối hợp với các bên liên quan tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng ở những thị trường tiềm năng; đồng thời tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc... Chẳng hạn, đối với thủy sản sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga...

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt việc khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Đẩy mạnh hợp tác thương mại lâm sản với các thị trường Hàn Quốc, Australia, Nga, Hoa Kỳ; hợp tác lâm nghiệp và thương mại dược liệu với Trung Quốc; hoàn tất thủ tục xuất khẩu sữa và thịt lợn sữa sang Malaysia...

Bên cạnh đó, Bộ còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá nông sản; kết nối doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế lớn tại các thị trường trọng điểm để quảng bá, giới thiệu nông sản của Việt Nam với thế giới...

Ngọc Quỳnh