Thủ tướng mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản "mở hàng" EVFTA

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:21, 01/07/2019

Sáng nay (1-7), tại Tokyo, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, Thủ tướng cho biết, hôm qua, ông đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU – EVFTA, IPA và bay trở lại Nhật Bản trong ngày.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Nhật Bản vì sự thịnh vượng và tin tưởng lẫn nhau”, hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

Chủ tịch JETRO Nobuhiko Sasaki cho biết, trước chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có nhiều cuộc điện thoại từ các doanh nghiệp Nhật Bản gọi đến, hỏi JETRO về việc có tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư hay không. Năm nay, có rất đông doanh nghiệp Nhật Bản tham dự, mong muốn xúc tiến công tác chuẩn bị để có thể trao nhận, cấp giấy phép đầu tư với đối tác Việt Nam trong dịp này. Theo ông Nobuhiko Sasaki, đây là cơ hội “có một không hai” cho các doanh nghiệp. Ông cũng cho biết, niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản với Việt Nam ngày càng tăng.

Việt Nam: Tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, điều này cho thấy “không khí đầu tư hết sức hào hứng”.

“Đến Nhật Bản lần này, so với những năm trước, tôi càng có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản”, Thủ tướng mở đầu bài phát biểu, giới thiệu về tiềm năng, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, quốc gia luôn duy trì môi trường chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định và là một quốc gia có lợi thế tự nhiên về thương mại toàn cầu.

Việt Nam có vị trí địa kinh tế và thương mại cực kỳ quan trọng trong khu vực, kể cả trên thế giới. Theo Thủ tướng, hơn ai hết, các nhà đầu tư Nhật Bản là người thấu hiểu điều này rất sớm bởi lẽ từ 500 năm trước, những doanh nhân Nhật Bản đã tới mở mang thương nghiệp ở Hội An của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt trên 245 tỷ USD và Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, quy mô nền kinh tế tăng hơn 10 lần, đạt tối thiểu 2.500 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 20.000 USD. Hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại và đầu tư lớn hàng đầu thế giới với độ mở thương mại hiện đạt trên 200% GDP, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, thuộc tốp 25 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Về độ mở đầu tư, tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam thu hút đến nay đã trên 350 tỷ USD với 28.000 dự án đang hoạt động và đã giải ngân trên 200 tỷ USD. Riêng năm 2018, Việt Nam đã thu hút trên 35 tỷ USD. Hiện có rất nhiều tập đoàn hàng đầu của thế giới hiện diện ở Việt Nam.

“Tôi vừa được ngài Chủ tịch JETRO thông tin, qua khảo sát của JETRO, trên 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư mở rộng làm ăn ở Việt Nam và con số này đứng đầu khu vực các doanh nghiệp châu Á vì tính hiệu quả của đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam”, Thủ tướng cho biết.

“Tiếp theo cuộc xúc tiến đầu tư năm trước, tôi đã thấy lời nói và việc làm của các tập đoàn Nhật Bản đã rõ”, ví dụ như NIDEC, đã đầu tư 250 triệu USD vào sản xuất động cơ công nghệ cao và sẽ tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD trong lĩnh vực này tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Năm 2018, AEON đã mua khoảng 300 triệu USD hàng Việt Nam và bán tại các siêu thị của AEON tại Nhật. AEON sẽ đầu tư 500 triệu USD trong thời gian tới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Cơ hội vàng cho doanh nghiệp Nhật Bản

Thủ tướng cho biết, hôm qua, ông đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU – EVFTA và IPA. “Và có thể nói, đến Nhật Bản lần này, các bạn là những người mở hàng đầu tiên”.

Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định FTA và 3 hiệp định đang đàm phán. Như vậy bao phủ đến hầu hết các lục địa trên thế giới khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu.

Nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định. Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam-EU góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% cho giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033. “Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.


Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo rộng khắp, phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam chưa bao giờ phát triển như những năm qua. Hàng nghìn ý tưởng khởi nghiệp được thử nghiệm và thành công, xếp hạng về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ 60/125 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện Việt Nam đang thúc đẩy thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đây sẽ là nơi hội tụ chất xám người Việt Nam và tri thức của nước ngoài do Bộ KH&ĐT chủ trì.

“Tôi vẫn nhắc lại một lần nữa, Việt Nam có nhiều ngành có tiềm năng phát triển mà các bạn quan tâm, trước hết là ngành sản xuất chế biến chế tạo. Việt Nam giờ đã là công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày…”, Thủ tướng nói.

Tiềm năng nữa là ngành nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, trong năm qua, nông nghiệp luôn được ví như mỏ vàng xuất khẩu với nhiều sản phẩm nông nghiệp đã giữ vững vị trí trong top của thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, rau quả, gỗ, lâm sản, cá tra và một danh sách dài các sản phẩm tiềm năng khác chưa được khai thác như cacao… Năm 2018, ngành Nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 40,5 tỷ USD, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam hiện cũng nằm trong top các nước xuất khẩu đồ gỗ nội thất toàn cầu với trên 10 tỷ USD.

Theo Thủ tướng, ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cần tiếp tục thúc đẩy, kêu gọi đầu tư. Do phát triển kinh tế nhanh, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam cũng tăng rất nhanh, bình quân khoảng 10%/năm. Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành điện, trong đó trọng tâm là điện sạch bao gồm cả điện khí, hạn chế tối đa điện than.

Du lịch sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn. Theo bình chọn của tổ chức du lịch thế giới, Việt Nam đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới. Tăng trưởng du lịch quốc tế đạt trung bình 30%/năm, đã có hàng chục tỷ USD đầu tư FDI vào ngành Du lịch trong những năm qua. Theo nhiều báo cáo, Việt Nam giàu tiềm năng để trở thành cường quốc du lịch của thế giới. Thủ tướng cho rằng, Nhật Bản hơi chậm chân trong phát triển những khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, hãng lữ hành lớn. “Tôi cho rằng đây là một điểm mà các hãng lữ hành hoặc là các nhà đầu tư phải nghiên cứu tiếp tục đưa khách và đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam”.

Thủ tướng cũng giới thiệu về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, hiện có quy mô hơn 150 tỷ USD và thị trường bất động sản, luôn là đích ngắm hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng là mảnh đất hứa của các nhà đầu tư; cũng như tiềm năng về thương mại số.

Theo báo cáo của Google và Temasek năm 2018, nền kinh tế internet của Việt Nam có quy mô khoảng 9 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 35%/năm giai đoạn 2015-2018, chiếm 4% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế ASEAN. Các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong năm 2018 so với năm 2017, có thể nói nền kinh tế internet của Việt Nam đang bùng nổ, dự báo đến 2025, giá trị thương mại gộp của nền kinh tế internet Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD.

“Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia. Điều đặc biệt là hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra sau đúng 2 tháng đầu tiên của triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa), hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công cho hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản, Nhật Bản-Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước chứng kiến trao Giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện thành phố Hà Nội, tỉnh Nam Định đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản; chứng kiến Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và UT Group Nhật Bản trao đổi Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ lao động chất lượng cao cho các công ty Nhật Bản. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2025, hai bên phấn đấu hợp tác để đào tạo, đưa nhân công đi thực tập tại nước ngoài hoặc tiếp nhận và hỗ trợ việc làm cho khoảng 20.000 lao động Việt Nam.

Theo Chinhphu