Tăng minh bạch, tránh hình thức

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:42, 02/07/2019

(HNM) - Thực tiễn triển khai tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đấu thầu qua mạng không chỉ góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, minh bạch mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính cho các nhà thầu và đơn vị mời thầu.

Đặc biệt, đây là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ”, hạn chế tiêu cực, nâng cao hiệu quả chi tiêu tài chính công, nhờ việc hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên tham gia đấu thầu.

Báo cáo sơ kết tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2018 và xây dựng lộ trình giai đoạn 2019-2025 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đã cho thấy rõ những hiệu quả trên. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng là 30.527 gói, với tổng giá trị mời thầu 61.872 tỷ đồng và giá trị trúng thầu là 57.266 tỷ đồng, tiết kiệm 7,44%. Kết quả này cho thấy, việc triển khai hình thức đấu thầu qua mạng là bước đi đúng đắn, hiệu quả trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Lợi ích đã rõ, song không phải địa phương, bộ, ngành nào cũng sẵn sàng từ bỏ hình thức đấu thầu truyền thống - với nhiều lợi ích ràng buộc - để áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng. Thực tế cho thấy, dù khung pháp luật về đấu thầu đã quy định khá chặt chẽ, nhưng quá trình thực thi vẫn tồn tại một số tiêu cực. Trong đó phải kể đến việc chủ đầu tư cố tình gây khó cho nhà thầu, đưa ra nhiều lý do để không bán hồ sơ mời thầu. Kể cả khi mua được hồ sơ, thì trong quá trình lựa chọn, bên mời thầu hay đơn vị tư vấn đấu thầu cũng thường tìm cách ưu ái những nhà thầu “quen biết”. Mặt khác, việc thông tin, tuyên truyền về hình thức đấu thầu qua mạng còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không nắm được thông tin về việc đấu thầu qua mạng để tham gia...

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 4 nhóm giải pháp được áp dụng trong đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025 trên cơ sở tính chất gói thầu. Trong đó, giai đoạn 2019-2021, đối với bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn nhà nước thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi.

Để hoàn thành mục tiêu trên thì cần thực hiện những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Trước hết là đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm góp phần quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý về đấu thầu nâng cao khả năng giám sát, thống kê hiệu quả công tác đấu thầu. Khi đó, toàn bộ thông tin đấu thầu từ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo sơ tuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu, đến kết quả lựa chọn nhà thầu đều được công khai, minh bạch trên hệ thống để các nhà thầu dễ dàng tiếp cận.

Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, thì cần có những chế tài cụ thể đối với các gói thầu quy định phải đấu thầu qua mạng. Trong đó, có thể áp dụng chế tài “không công nhận kết quả trúng thầu” nếu bên mời thầu không tuân thủ quy định đấu thầu qua mạng; công khai danh tính đơn vị không thực hiện đấu thầu qua mạng theo yêu cầu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm từng bước thay đổi thói quen và nhận thức của các bên liên quan về hiệu quả của việc đấu thầu qua mạng.

Với những giải pháp trên, việc đấu thầu qua mạng sẽ trở thành phương thức quan trọng để "phá vỡ" tình trạng thiếu cạnh tranh, đấu thầu theo kiểu hình thức, khép kín như hiện nay; đồng thời qua đó từng bước góp phần xây dựng chính phủ điện tử, nền kinh tế số, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phát triển bền vững.

Đình Hiệp