Hành động vì cuộc sống xanh
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 04/07/2019
Lâu nay, vì sự tiện lợi và giá thành rẻ, việc sử dụng túi ni lông hay sản phẩm nhựa dùng một lần khá phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, thói quen này là một trong những tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững. Bởi, thực tế, một chiếc túi ni lông được sản xuất tính bằng giây và có thể chỉ sử dụng trong ít phút, nhưng để phân hủy được thì lại mất tới hàng trăm năm. Nguy hiểm hơn là phần lớn các sản phẩm nhựa dùng một lần không có thông tin về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng hay hướng dẫn cách sử dụng an toàn.
Nhận thức rõ nguy cơ, thành phố Hà Nội đã, đang nỗ lực đi tiên phong trong triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế rác thải nhựa, tiến tới dừng hẳn việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Những sáng kiến, mô hình, việc làm thiết thực đã được nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hàng, quán ăn, siêu thị,… trên địa bàn Thủ đô hưởng ứng nhiệt tình, bước đầu đạt hiệu quả. Đó là thay vì sử dụng đồ nhựa dùng một lần, nhiều nơi đã chuyển sang dùng sản phẩm thân thiện môi trường. Cái được lớn nhất của những việc làm ý nghĩa này là nhận thức, hành động của nhiều tổ chức, cá nhân đã thay đổi, từ đó lan tỏa việc “nói không với túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần” trong cuộc sống hằng ngày.
Nhưng, để tiến tới không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn là một thách thức lớn và còn nhiều việc phải làm. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào, mà là vấn đề của toàn xã hội.
Do đó, hành động thiết thực nhất và ngay bây giờ là mỗi người dân, bằng tinh thần tự giác, dần từ bỏ thói quen dùng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần khi mua, bán hàng hóa, thực phẩm; thực hiện việc phân loại rác tại nguồn... Những người đã làm tốt, hiệu quả cần tuyên truyền, hướng dẫn người khác cùng thực hiện, lan tỏa việc làm này trong mỗi gia đình, khu dân cư và cộng đồng xã hội. Với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, bên cạnh việc tuyên truyền cán bộ, hội viên, người lao động chung tay chống rác thải nhựa, cần “làm gương” trong sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Về lâu dài, các ngành chức năng, địa phương cần rà soát và hoàn thiện các quy định, chính sách để hạn chế, tiến tới dừng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Bởi, rác thải nhựa đang là một thách thức lớn với đời sống xã hội, nếu chỉ dừng ở hô hào, kêu gọi thay đổi ý thức thì chưa đủ, mà cần xây dựng những quy định, chế tài ngăn chặn cụ thể.
Với vai trò tiên phong, thành phố Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài là tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất bao gói, doanh nghiệp kinh doanh sử dụng nhiều túi ni lông, sản phẩm nhựa chuyển đổi sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, bằng những cơ chế, chính sách cụ thể. Thành phố cũng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để tái chế rác thải nhựa áp dụng công nghệ tiên tiến…
Ở góc độ doanh nghiệp, cần xác định việc đồng hành với thành phố để đẩy lùi rác thải nhựa là vì mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững và trên hết là trách nhiệm với cộng đồng, vì một môi trường xanh. Vì lẽ đó, cùng với tăng cường nhân lực, chú trọng đầu tư công nghệ, các doanh nghiệp cần thực hiện cho được mục tiêu sản xuất, kinh doanh xanh, sạch và ưu việt.
Vì cuộc sống xanh, hãy hành động ngay từ hôm nay!