Diễn đàn Davos mùa hè 2019: Thúc đẩy toàn cầu hóa trong thời đại mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:29, 04/07/2019
Với chủ đề “Sức lãnh đạo 4.0: Con đường thành công của toàn cầu hóa trong thời đại mới”, hơn 1.900 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ và người đứng đầu các tổ chức quốc tế đã có mặt tại diễn đàn năm nay.
Tiếp nối chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 diễn ra hồi tháng 1 vừa qua tại Davos (Thụy Sĩ), Diễn đàn Davos mùa hè được tổ chức trong bối cảnh thế giới bị tác động sâu sắc bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự sắp xếp lại địa - kinh tế và các lực lượng địa - chính trị. Trong khi đó, toàn cầu hóa đang mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng lớn. Xu thế bảo hộ thương mại được thúc đẩy hay chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh ở châu Âu cũng đặt toàn cầu hóa trước những thách thức lớn.
Do đó, trong 3 ngày hội nghị (từ 1 đến 3-7) đã có khoảng 200 phiên hội thảo riêng lẻ tập trung vào các vấn đề như công nghệ 5G, đầu tư, khoa học kỹ thuật và thương mại, bồi dưỡng nguồn lực lao động trong tương lai, tác động của biến đổi khí hậu, cách mạng xe ô tô điện...
Bất chấp những bước tiến lớn trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản hôm 29-6 vừa qua, việc căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đã trở thành tiêu điểm trong các cuộc thảo luận tại diễn đàn năm nay. Tuy nhiên, ngoài việc chỉ ra những tác động tiêu cực, nhiều ý kiến cũng đã đề cập đến những mặt tích cực của biến động này. Theo một số diễn giả, căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là điều chưa từng có trong tiền lệ, nhưng nó đang chuyển hướng hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc theo cách thức hợp lý hơn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước này sẽ tăng độ cởi mở, minh bạch đối với đầu tư nước ngoài và cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. Trung Quốc cũng sẽ mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như công nghệ 5G, thiết bị điện toán đám mây, robot công nghiệp, ô tô năng lượng mới, phụ tùng linh kiện ô tô thông minh, vật liệu mới trong các ngành dược phẩm, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, logistics, sản xuất sạch, nông nghiệp xanh…
Quyết định này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng lượng vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề để Trung Quốc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng mức độ hội nhập với thế giới. Điều đó được xem là động thái nhằm giảm tác động từ việc ngày càng có nhiều công ty chuyển khỏi Trung Quốc nhằm né tránh những ảnh hưởng bất lợi từ những xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Cùng với Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) được tổ chức vào mùa đông hằng năm, Diễn đàn Davos mùa hè ra đời từ năm 2007, được luân phiên tổ chức tại 2 thành phố lớn của Trung Quốc là Đại Liên và Thiên Tân, đã trở thành sự kiện để tất cả các đối tác trên thị trường, các công ty không phân biệt lớn hay nhỏ tìm kiếm sự cạnh tranh công bằng và cùng phát triển. Diễn đàn cũng là cơ hội để lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và giới học giả thảo luận, nghiên cứu và đề ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sáng tạo khoa học kỹ thuật từ góc nhìn châu Á.