Nguyễn Đình Tú và bước ngoặt Fantasy
Văn hóa - Ngày đăng : 20:13, 04/07/2019
Tuy nhiên, nhắc đến Nguyễn Đình Tú, người ta nghĩ ngay đến các tiểu thuyết Hoang tâm, Hồ sơ một tử tù, Phiên bản, Nháp, Bên dòng sầu diện, Xác phàm, Kín, Cô Mặc Sầu, Chú bé đeo ba lô màu đỏ... - những tác phẩm đã in dấu ấn văn chương Nguyễn Đình Tú trong đời sống văn học Việt Nam đương đại.
Dường như, với những gì đã có trong tay, trên 10 cuốn tiểu thuyết, dăm bảy tập truyện ngắn, được bạn đọc yêu mến, theo dõi, chờ đợi mỗi lần xuất hiện, được giới nghiên cứu, phê bình lựa chọn làm đối tượng khảo sát..., không quá lời khi nói rằng Nguyễn Đình Tú đang sở hữu một gia tài văn chương không hề nhỏ, một vị trí quan trọng trong văn chương đương đại Việt Nam. Dĩ nhiên, với người khác, có thể sẽ hình thành một tâm lý thỏa mãn, bằng lòng với những gì mình có, tiếp tục duy trì, kéo dài hành trình đã định hình từ trước. Nhưng Nguyễn Đình Tú thì không. Bằng chứng là anh luôn tạo ra cho mình những thử thách mới, trên những không gian mới, mà nơi đó, di sản cùng kinh nghiệm văn chương đã có đôi khi chỉ như những tham khảo.
Lịch sử văn chương không bao giờ là sự kế tiếp của các giai đoạn theo phân kỳ lịch sử. M.Bakhtin nói thể loại là nhân vật chính của lịch sử văn học. Quan điểm đó vẫn mang đầy tính hàn lâm với người sáng tác. Sáng tạo nghệ thuật luôn luôn là quá trình phủ nhận những nguy cơ đóng băng, nguy cơ thiết chế hóa của giá trị - trở thành điển phạm, sự tiêu chuẩn, mẫu mực. Lịch sử văn học nghệ thuật - lịch sử của sự sáng tạo như thế luôn là hành trình liên tục của những “vong thân” và phủ nhận. Nguyễn Đình Tú có lẽ hiểu câu chuyện ấy, không phải bằng các khái niệm hay mệnh đề lý luận khô cứng, giáo điều, mà bằng chính nhu cầu được sống nhiều hơn, được hiện diện nhiều hơn với từng chặng “vong thân”, phủ nhận của mình.
Bởi thế, sau những tiểu thuyết vụ án, hình sự xã hội, giang hồ tội phạm, phản ánh mặt trái của đời sống đương đại, những quan tâm đến ký ức lịch sử (chiến tranh biên giới phía Bắc trong tiểu thuyết Xác phàm), Nguyễn Đình Tú đã dành thời gian cho những độc giả trẻ tuổi, nhỏ tuổi (Thế gian màu gì...). Đây cũng là một bằng chứng cho thấy Nguyễn Đình Tú nhận ra những bóng mây khác qua những vùng trời khác, đầy vẫy gọi. Có thể, đó là khoảng trời của đứa trẻ lên mười trong Chú bé đeo ba lô màu đỏ hấp dẫn nhà văn, đưa anh về ký ức lên mười của mình. Những thế giới khác, những cuộc đời khác và nguồn sống khác có lẽ chính là động lực để nhà văn dấn bước. Với nhà văn, viết chính là sống. Viết nhiều, đẩy sự viết vào những vùng không gian nghệ thuật khác nhau, những trải nghiệm khác nhau đem đến nhiều hơn những trải nghiệm sống. Nghĩa là, nhà văn sống nhiều hơn một cuộc đời - tôi tin Nguyễn Đình Tú ý thức rất rõ điều đó khi nỗ lực định hình “phác đồ nhà văn” của mình.
Phần 1 (Giếng cổ) của bộ tiểu thuyết Bãi săn ra mắt cuối năm 2018 ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và giới truyền thông. Có thể nói, với bộ tiểu thuyết này Nguyễn Đình Tú đã tạo nên một bước ngoặt, trước hết trên hành trình viết - sống, của mình. Anh dấn thân vào địa hạt văn học huyền ảo - Fantasy, vốn còn khá non nớt, nghèo nàn ở Việt Nam. Tuy nhiên, fantasy không phải là cái cớ hay một sự dung dưỡng cho những tùy tiện.
Bãi săn - phần 1 đã cho thấy dụng công của Nguyễn Đình Tú trong việc phục hoạt ở định dạng huyền ảo dấu vết lịch sử, văn hóa, chính trị, tôn giáo của một thời đã khá xa trong lịch sử Việt Nam (thời Lý, thậm chí còn xa hơn nữa về thời gian và phức tạp hơn nữa về không gian, con người, hiện tượng, sự kiện). Tưởng tượng và hư cấu là quyền năng vô biên của nhà văn. Tuy nhiên, không vì thế mà quyền lực ấy được sử dụng tùy tiện. Nguyễn Đình Tú đã cho thấy hư cấu và tưởng tượng có hiệu năng che phủ hoặc kiến tạo thời gian, không gian, lịch sử, tôn giáo nhưng ẩn sâu bên dưới sự huyền ảo, trầm tích trong lớp sương mù ấy là những vỉa tầng văn hóa dân tộc, có thể không hề hư cấu chút nào.
Bãi săn có thể dành cho nhiều cấp độ độc giả. Với bạn đọc trẻ tuổi là những yếu tố huyền ảo, kỳ dị, những cuộc tìm kiếm, khám phá đầy bí ẩn, những không gian sống, học tập hiện đại, lý tưởng, những năng lực siêu nhiên của con người... Ở một cấp độ khác, người đọc có thể nhận ra trầm tích văn hóa, tôn giáo, lịch sử qua sự xuất hiện của Không Lộ tự, Không Lộ viện, của các nhân vật người thú, người săn, phường săn, dấu vết của Mật giáo, dấu vết thời kỳ “Nhất Phật nhất Thần tiên”...
Bãi săn (phần 1 - Giếng cổ) gây tiếng vang và được đánh giá như là một bước ngoặt đầy tiềm năng của thể loại Fantasy ở Việt Nam. Mới đây, phần 2 của Bãi săn với tên gọi Phản đồ được ra mắt người đọc (tháng 6-2019). Có thể nói, đây là bộ tiểu thuyết hoàn chỉnh một cú ngoặt của Nguyễn Đình Tú, hứa hẹn sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm văn chương, lịch sử, văn hóa vừa huyền ảo vừa đầy gợi mở, thúc đẩy trí tưởng tượng và khao khát tìm hiểu những vùng khuất mờ, ảo ảnh của lịch sử, văn hóa. Nghĩa là, độc giả có cơ hội được sống nhiều hơn, sinh động hơn qua từng trang sách. Và, tôi tin rằng, đặt Bãi săn bên cạnh một loạt tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú trước đó, chắc hẳn nhà văn sẽ mỉm cười nhận ra, cuộc đời đã được nhân lên qua những khúc rẽ như thế.