Bộ Công Thương: Chưa có quy định với nhãn hàng hóa tại thị trường Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 20:12, 04/07/2019
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ các vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30-7-2019 để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời thêm về việc dán mác "made in Vietnam", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Nghị định này quy định doanh nghiệp, cá nhân lưu thông hàng hoá phải tự xác định thông tin để dán nhãn hàng hóa và tự chịu trách nhiệm về ghi xuất xứ.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, đó là Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan, nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng hóa tại thị trường trong nước.
Vì vậy, Bộ Công Thương đang soạn thảo văn bản để làm rõ khái niệm thế nào là hàng hóa của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Khi có dự thảo chính thức, Bộ Công Thương sẽ công bố trên website để xin ý kiến người dân, doanh nghiệp.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc, như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.