Hà Nội là đầu mối trong liên kết phát triển du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 14:34, 05/07/2019
- Ở góc độ của người nghiên cứu về phát triển du lịch, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ?
- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc - một trong 7 vùng du lịch của cả nước, đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là vùng giữ vị trí quan trọng đối với du lịch Việt Nam, một trong những vùng động lực về du lịch của cả nước, đồng thời là vùng có Thủ đô Hà Nội - một trong 2 trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam, có cửa khẩu hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, là nơi thu hút khách quan trọng của cả nước và là đầu mối phân phối khách du lịch quốc tế cho các địa phương khu vực phía Bắc... Đây cũng là vùng sở hữu rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là các tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Những tiềm năng, thế mạnh ấy chính là động lực để vùng này thường xuyên thu hút từ 30 - 40% lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến. Tổng thu du lịch của vùng cũng xấp xỉ 30% tổng thu du lịch toàn quốc.
- Rất nhiều thuận lợi! Vậy khó khăn trong phát triển du lịch mà vùng này phải đối mặt là gì?
- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là một trong những khu vực có mật độ dân cư cao nhất nước, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, tạo nên sức ép về nhiều mặt, nhất là các áp lực về môi trường và giải quyết việc làm. Vùng cũng là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy, hải sản, xi măng..., là những ngành kinh tế có tác động mang tính hai mặt đối với du lịch.
Bên cạnh đó, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có tốc độ đô thị hóa nhanh, là khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc của các yếu tố thời tiết bất lợi như tính mùa vụ, đặc biệt là bão, lũ lụt, hạn hán... và của biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng đối với các địa phương ven biển thuộc các tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển du lịch.
- Có thể nhận thấy các tỉnh trong vùng có xuất phát điểm và sự phát triển không tương đồng. Điều này có ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch chung của cả vùng không, thưa ông?
- Trong một vùng, việc có sự chênh lệch về phát triển du lịch giữa các địa phương là điều bình thường, bởi mỗi địa phương có tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch khác nhau. Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nêu rõ: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Việc khai thác tối đa tiềm năng du lịch của tất cả các địa phương trong vùng là vấn đề cần xem xét khi xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch. Vì thế, khi xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cho mỗi vùng, người ta thường chọn một hoặc một số tỉnh trong vùng có tiềm năng, điều kiện phát triển du lịch nổi trội làm trung tâm của vùng. Các khu, điểm du lịch thuộc các địa phương khác trong vùng sẽ kết nối đến trung tâm vùng qua các tuyến du lịch. Để khai thác các tuyến du lịch này một cách hiệu quả, cần giải quyết được bài toán liên kết các địa phương trong vùng. Việc liên kết sẽ làm gia tăng các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ nhằm kéo dài thời gian tham quan và tăng mức chi tiêu của du khách. Đây chính là cách để các địa phương có điều kiện phát triển du lịch hạn chế có thể tận dụng để phát huy lợi thế của mình.
- Hà Nội có vai trò như thế nào trong mối liên kết giữa các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ?
- Thủ đô Hà Nội là một trong hai trung tâm du lịch lớn của quốc gia, đầu mối phân phối khách du lịch quốc tế cho các địa phương khu vực phía Bắc. Với vai trò như vậy, Hà Nội nên đảm nhận vai trò “nhạc trưởng”, là đầu mối trong liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng. Thực tế lâu nay Hà Nội đã chủ động liên kết phát triển du lịch với nhiều địa phương trong vùng cũng như ngoài vùng và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn cần chủ động tăng cường hơn nữa liên kết cả về chiều rộng và chiều sâu với các địa phương để không những đẩy mạnh phát triển du lịch vùng mà còn góp phần giải quyết những hạn chế về phát triển du lịch của Thủ đô. Việc liên kết có thể dưới nhiều hình thức như liên kết trong xúc tiến quảng bá du lịch, liên kết phát triển nguồn nhân lực, liên kết phát triển các tuyến du lịch... Tuy nhiên, cần chú trọng tính hiệu quả, tính thực chất của các liên kết bởi thực tế câu chuyện liên kết lâu nay dường như vẫn chỉ diễn ra giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, việc liên kết giữa các doanh nhiệp trong việc đưa khách đến các địa phương trong vùng chủ yếu do tự thân các doanh nghiệp.
- Trong dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sắp trình Chính phủ tới đây, có sự thay đổi nào trong định hướng phát triển du lịch của các vùng không, thưa ông?
- Câu chuyện phát triển vùng du lịch cũng đang được xem xét bởi việc phân chia các vùng kinh tế ở Việt Nam dự kiến sẽ có sự thay đổi so với hiện nay. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là: Rà soát, điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch. Đây là chủ trương đúng đắn nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tập trung vào những khu vực có tiềm năng phát triển nhất cũng như những khu vực có khả năng thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng rộng lớn. Vì thế, Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có nội dung xác định các khu vực động lực phát triển du lịch.
Một khu vực được xác định là khu vực động lực phát triển du lịch của một vùng, địa bàn cần có tài nguyên du lịch hấp dẫn, khả năng thu hút khách du lịch đặc biệt cao; có điều kiện tiếp đón, điều phối, phân phối số lượng lớn khách du lịch; có khả năng tiếp nhận, phục vụ số lượng lớn khách du lịch và có khả năng/tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch cho khu vực phụ cận. Trong mỗi khu vực động lực sẽ có một trục động lực để phát triển, tức là sẽ không phát triển dàn trải. Mỗi khu vực động lực sẽ phát triển theo trục chính để ưu tiên tập trung đầu tư, từ đó tạo sức lan tỏa. Đấy là một trong những điểm khác biệt của dự thảo Chiến lược mới.
- Theo Dự thảo Chiến lược mới, Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ là một trong những khu vực động lực ở phía Bắc. Khu vực này sẽ ưu tiên tập trung phát triển theo hướng nào để thu hút khách? Các khu vực động lực sẽ thúc đẩy sự phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?
- Khu vực động lực du lịch Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh là khu vực động lực đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng, rộng hơn là cả khu vực miền Bắc. Hà Nội là trung tâm kết nối, trung chuyển khách tới các điểm du lịch trong nước, trong khu vực và quốc tế. Các trung tâm lưu trú là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long. Các đầu mối giao thông quan trọng là cảng hàng không Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn... Trục động lực của khu vực này là Tràng An - Hà Nội - Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long. Tại khu vực động lực này chú trọng phát triển các chuỗi sản phẩm tổng hợp về du lịch văn hóa, tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch đô thị...
Việc tập trung đầu tư phát triển các khu vực động lực được kỳ vọng sẽ tạo sự lan tỏa và thúc đẩy sự phát triển du lịch chung của quốc gia.
Trong giai đoạn tới, du lịch Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển với tốc độ cao. Vì thế, cơ hội phát triển du lịch ở tất cả các địa phương đều được mở ra. Tuy nhiên, các địa phương cần phải chủ động trong việc hoạch định chính sách, thúc đẩy xã hội hóa và đầu tư trên quan điểm có trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch. Nếu địa phương có cơ chế thích hợp, có tài nguyên du lịch hấp dẫn và có chính sách ưu đãi cởi mở, chắc chắn sẽ còn nhiều nhà đầu tư lớn ở trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực du lịch trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Trong Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, có 7 khu vực động lực được xác định: (1) Sơn La - Điện Biên - Lào Cai - Hà Giang ; (2) Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình; (3) Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; (4) Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận; (5) Lâm Đồng - Đắk Lắk; (6) Thành phố Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Thuận; (7) Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau.