Thành phố Hồ Chí Minh: Đưa cải cách hành chính đi vào thực chất

Cải cách hành chính - Ngày đăng : 10:45, 05/07/2019

(HNM) - Với khoảng 14 triệu hồ sơ cần giải quyết mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh đang cố gắng xử lý đúng hạn, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Để làm được điều này, các cấp, các ngành đang quyết liệt đưa cải cách hành chính đi vào thực chất, xây dựng quy trình nghiệp vụ của từng loại thủ tục, giúp bộ máy công quyền vận hành hiệu quả.


Nhiều kết quả tích cực

Chị Phạm Thu Thủy (trú tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) hào hứng cho biết, chỉ vài ngày sau khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố, chị đã nhận được kết quả bằng đường bưu điện. “Với mô hình cải cách hành chính này, tôi không mất thời gian đi lại cũng như tiết kiệm được chi phí in ấn, chứng thực giấy tờ”, chị Thủy chia sẻ.

Quận 1 là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính của thành phố Hồ Chí Minh.

Còn bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho hay, từ ngày 21-6, tại 3 phường của quận (Tân Sơn Nhì, Hòa Thạnh, Sơn Kỳ) đã thử nghiệm tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố đối với thủ tục cấp giấy đăng ký kinh doanh và mã số thuế. Theo đó, các phường thử nghiệm đã nhận 43 hồ sơ, hoàn thành được 12 hồ sơ chỉ sau 8 ngày làm việc.

Ngày 2-7, UBND quận 1 đã ra mắt tổ chức thí điểm tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính không giấy trong lĩnh vực kinh tế. Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1 cho biết, với mô hình này, người dân hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để gửi hồ sơ và nhận kết quả. Thời gian giải quyết chỉ trong 2 ngày làm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Từ đầu năm 2019 đến nay, công tác cải cách hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực hiện yêu cầu cải cách hành chính, nhiều mô hình, cách làm hay được áp dụng như: Mô hình giảm 70% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa của Cục Hải quan thành phố; các giải pháp nâng cao hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn một số quận, huyện…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Võ Sĩ, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chỉ riêng áp dụng việc gửi thư mời và tài liệu điện tử, năm 2018, Văn phòng UBND thành phố đã tiết kiệm khoảng 20 tỷ đồng. Dự kiến, từ giữa tháng 7-2019, thành phố áp dụng mô hình “phòng họp không giấy”, số tiền tiết kiệm chắc chắn sẽ cao hơn.

Chuẩn hóa 1.800 thủ tục hành chính

Nói về công tác cải cách hành chính tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh giải quyết khoảng 14 triệu hồ sơ, trung bình mỗi giờ làm việc phải giải quyết khoảng 14.000 hồ sơ. Thành phố quyết tâm xây dựng “chính quyền số”, thúc đẩy xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phòng họp không giấy, văn phòng không giấy…

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, trong công tác cải cách hành chính, thành phố xác định không cấp nào được đứng ngoài cuộc. Theo đó, trong tháng 7-2019, Văn phòng UBND thành phố sẽ hoàn chỉnh 40 bộ thủ tục liên thông điện tử; mỗi bộ thủ tục đều xác định rõ thời gian hoàn thành, kể cả thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Về nhiệm vụ cải cách hành chính từ nay đến cuối năm 2019, thành phố sẽ chuẩn hóa quy trình xử lý khoảng 1.800 thủ tục hành chính, từ đó xây dựng quy trình nghiệp vụ của từng loại thủ tục hành chính này. Đến tháng 9-2019, thành phố sẽ công bố quy trình nghiệp vụ gần 300 thủ tục hành chính tại UBND quận, huyện, phường, xã. Phấn đấu cuối năm 2019, sẽ công bố quy trình nghiệp vụ của hơn 1.500 thủ tục hành chính tại UBND thành phố và các sở, ban, ngành. Khi đã có quy trình nghiệp vụ, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức sẽ rõ ràng hơn, qua đó hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền sẽ cao hơn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử để tương thích với chính phủ điện tử. Cả hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp phải vào cuộc quyết liệt mới đạt được mục tiêu đề ra. Theo người đứng đầu Đảng bộ thành phố, kết quả cải cách hành chính phải gắn với sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, thành phố phải có hệ thống ghi nhận sự đánh giá này một cách khách quan, trung thực. “Thành phố quyết tâm đến cuối năm 2019, “bức tranh” cải cách hành chính của toàn thành phố phải chuyển biến thực chất, thật sự đi vào đời sống”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Thành phố Hồ Chí Minh vừa triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá hài lòng gắn với việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố đối với một số thủ tục hành chính tại 9 UBND phường, xã, thị trấn thuộc quận Tân Phú, quận 9 và huyện Củ Chi. Sau 2 tuần thử nghiệm, số lượt người dân tham gia đánh giá hiệu quả dịch vụ công, đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, công chức và kết quả giải quyết hồ sơ tăng hơn so với trước khi thử nghiệm. 

Bài, ảnh: NGUYỄN LÊ