Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc
Kinh tế - Ngày đăng : 10:45, 05/07/2019
Chủ động chọn lọc
6 tháng đầu năm 2019, cả nước thu hút 18,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 91% cùng kỳ năm ngoái; vốn giải ngân đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8%. Đáng ghi nhận, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 71% tổng vốn mới đăng ký, thể hiện dòng vốn đang "chảy" vào những ngành sản xuất có yêu cầu ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Song, vấn đề quan trọng là chất lượng chứ không phải là số lượng vốn đầu tư. Về quan điểm lựa chọn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã đi qua giai đoạn thu hút đầu tư theo chiều rộng, đang chủ động nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài, phù hợp với yêu cầu hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế. Vì thế, chúng ta kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...
Thực tế cấp phép cho những dự án đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2019 đến nay cho thấy quan điểm trên đang được hiện thực hóa. Ví như, Dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng của Công ty Universal Alloy Corporation Asia Ltd (UAC - Mỹ - 170 triệu USD). Ông Kevin Loebbaka, Giám đốc Công ty UAC cho biết, đơn vị sẽ sản xuất, cung cấp các bộ phận thân máy bay cho các đối tác, với khoảng 4.000 chi tiết...
Chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc chọn lọc, nâng cao chất lượng dự án đầu tư nước ngoài cần được đặt ra một cách chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng nhanh kết hợp tái cơ cấu kinh tế; trong đó nhấn mạnh việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng cơ hội để bứt phá. Đơn cử, nhờ đón nhận các dự án sản xuất điện thoại và linh kiện của Samsung mà Việt Nam trở thành địa chỉ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Đến nay, đã có 42 nhà cung cấp linh kiện cấp 1 cho Samsung, con số này sẽ tăng lên 50 vào năm 2020. Thực tế cũng cho thấy, những dự án đầu tư nước ngoài có tầm vóc về quy mô, thế mạnh sẽ lan tỏa, từng bước chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp "nội".
Trong một diễn biến mới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vừa được ký kết sẽ tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu, vì 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ có thuế suất bằng 0% sau 7 năm. Điều đó đồng nghĩa với việc, cơ quan chức năng Việt Nam, các cấp chính quyền có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để sàng lọc, thu hút đầu tư theo phương châm “không thu hút đầu tư bằng mọi giá”.
Nâng cao sự thẩm định
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các cam kết hội nhập của Việt Nam đều rất tiến bộ, theo chuẩn mực cao. Vì vậy, chất lượng dự án mới từ EU, Mỹ sẽ đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao, tuân thủ quy định...
Phân tích về diễn biến thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua, ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, về lâu dài, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để lắp ráp hàng hóa rồi tận dụng quy định xuất xứ “sản xuất tại Việt Nam” để xuất khẩu nhằm được hưởng thuế suất thấp, hoặc 0%. Đích đến của hàng hóa chủ yếu sẽ là Mỹ và EU, vì vậy chúng ta cần có sự cân nhắc kỹ khi lựa chọn các dự án đầu tư dạng này...
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia), đây là vấn đề rất khó phân định rạch ròi, vì không thể có "mẫu số chung" cho các đơn vị quản lý. Về lý thuyết, nếu nhà đầu tư đáp ứng các quy định theo luật thì không thể từ chối cấp phép, nên "dư địa" còn lại là phải dựa vào các tiêu chuẩn về môi trường để áp vào. Tiếp theo, cần đối chiếu các tiêu chuẩn về công nghệ để ngăn chặn dự án công nghệ lạc hậu, có thể gây hại nhiều mặt.
Trên cơ sở đó, chính quyền mỗi địa phương cũng cần bám sát quy hoạch về cơ cấu kinh tế, mặt bằng, xác định mức độ ưu tiên và danh mục dự án gọi đầu tư để đối chiếu mỗi khi được đề nghị cấp phép. Ngoài ra, cần đánh giá kỹ về mức độ hiện đại của một dự án, như mức tiêu hao năng lượng, tác động về môi trường, sử dụng nguyên liệu... tại chỗ. Ưu tiên dự án công nghệ cao, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; cảnh giác với dự án chỉ lắp ráp thuần túy, hoặc thuộc những lĩnh vực hạn chế về hiệu quả...
Như vậy, vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý cần đánh giá tình hình, có sự tỉnh táo khi tiếp nhận hồ sơ để nghiên cứu, quyết định cấp phép hay không. Yêu cầu đặt ra là có giải pháp để tránh bị lợi dụng, không rơi vào thế bị động khi nhà đầu tư tìm cách đầu tư vào Việt Nam chỉ để... né thuế, thu lợi.
Chia sẻ vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần xây dựng kịch bản, theo dõi, đánh giá tình hình cụ thể để thông báo; tham vấn giữa các cơ quan và địa phương. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phải chủ động cân nhắc, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật, yêu cầu về chất lượng và lợi ích quốc gia trước khi ra quyết định...
Trong 6 tháng đầu năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt 5,03 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Một số dự án tiêu biểu gồm: Dự án Tổ hợp vui chơi, giải trí đa năng - Trường đua ngựa với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD; Dự án Công ty cổ phần Lotte FLC, vốn đầu tư 50 triệu USD. Dự án Trung tâm thương mại Aeonmall Hà Đông trị giá 192,5 triệu USD... Năm nay, Hà Nội phấn đấu thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng hoặc vượt năm 2018 (trên 7,5 tỷ USD).