Thay đổi nhận thức, hành động
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:55, 06/07/2019
Thiệt hại có thể thấy rõ nhất là tất cả các lô hàng xuất sang EU đều bị kiểm tra trước khi thông quan, kéo dài thời gian và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Chưa kể, các lô hàng sau khi kiểm tra nếu không đạt yêu cầu thì sẽ bị trả về Việt Nam. Năm 2018, các mặt hàng hải sản xuất khẩu qua EU đều sụt giảm, ngoại trừ sản phẩm cá ngừ...
Trước thực trạng trên, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương ven biển và cộng đồng đã vào cuộc mạnh mẽ nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản của Việt Nam, đồng thời hướng tới phát triển nghề cá bền vững.
Mặc dù EC đưa ra nhiều khuyến nghị để Việt Nam khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản, tuy nhiên chủ yếu vẫn là các yêu cầu liên quan đến quản lý tàu cá khai thác trên biển để truy xuất nguồn gốc hải sản và ngăn chặn đánh bắt trái phép. Đây cũng là những vấn đề mà các địa phương, doanh nghiệp, ngư dân cần tập trung tháo gỡ, khắc phục.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC, khó nhất vẫn là việc kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển và việc kiểm soát tàu nhập khẩu nguyên liệu thủy sản vào Việt Nam. Lý do vì cơ sở hạ tầng như cảng cá, hệ thống giám sát tàu cá đang trong quá trình hoàn thiện, nguồn lực đầu tư để hoàn thiện còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn nhân lực cho quản lý nghề cá từ Trung ương đến địa phương còn rất thiếu so với yêu cầu. Đặc biệt, một bộ phận ngư dân chưa có ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật…
Nhìn rộng ra, việc EC áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản khai thác của Việt Nam cũng là cơ hội để Việt Nam thay đổi nhận thức và hướng tới nghề cá phát triển bền vững; chấn chỉnh lại việc quản lý tài nguyên biển.
Do vậy, các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc chỉ đạo triển khai các quy định và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan trong việc khắc phục “thẻ vàng” của EC. Trước tiên thực hiện quản lý tàu không để vi phạm các vùng biển nước ngoài; tổ chức thanh tra, kiểm soát tại cảng và giám sát hoạt động tàu cá; chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có dấu hiệu khai thác bất hợp pháp. Đi đôi với đó, xử lý nghiêm chủ tàu cá vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý người đứng đầu chính quyền các cấp, sở, ban, ngành và lực lượng liên quan để tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...
Để người dân chấp hành nghiêm quy định về việc phải cập vào cảng cá có đủ điều kiện để kiểm soát sản lượng lên bến, các cấp, các ngành cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định đến ngư dân, doanh nghiệp, từ đó nhận thức đúng và tự giác thực hiện.
Một giải pháp nữa là thay đổi tập quán đánh bắt khai thác tự nhiên sang khai thác có trách nhiệm, từ khai báo, ghi sổ sách, ngư trường; quyết liệt hơn trong việc khắc phục những bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu... đến thu mua, chế biến hải sản có nguồn gốc rõ ràng.
Trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý, nâng cao nhận thức và hành vi khai thác hải sản cho cộng đồng ngư dân… nhằm phát triển khai thác thủy sản hợp pháp, có hiệu quả.
Khắc phục “thẻ vàng” là mục tiêu trước mắt, nhưng về lâu dài cần xây dựng một nghề khai thác biển, rộng hơn là phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đúng tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó, cần sự thay đổi trong nhận thức, hành động ngay từ hôm nay.