Bài 3: Cần sự hưởng ứng của mỗi gia đình
Công nghệ - Ngày đăng : 07:36, 06/07/2019
Bỏ thói quen có hại
Ngày nào đi chợ, chị Trần Thị Kiều ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) cũng mang theo làn và 2-3 chiếc hộp có nắp. Rau củ, quả được chị xếp trực tiếp vào làn; thực phẩm tươi sống được chị Kiều đựng trong các hộp có nắp rồi đặt vào làn. “Đã 2 năm rồi, tôi đi chợ không cần túi ni lông. Ban đầu, tôi phải nhắc người bán không gói hàng hóa cho tôi bằng túi ni lông, từ thói quen này, đến nay, cả chợ đều biết và tôi không phải nhắc người bán nữa” - chị Kiều chia sẻ.
Như chị Kiều, không chỉ từ chối túi ni lông khi đi mua sắm, nhiều người đã có ý thức hơn khi cắt giảm túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Bà Trần Thị Thuận ở phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) cho hay, từ khi hiểu về tác hại của rác thải nhựa, gia đình bà không sử dụng nước uống đóng trong chai nhựa loại nhỏ; không dùng sản phẩm dầu gội, sữa tắm trong các túi nhỏ; không sử dụng bát, đĩa nhựa dùng một lần…
Tích cực tham gia phong trào chống rác thải nhựa, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp hội triển khai những mô hình cụ thể với chủ trương “Không tuyên truyền suông, không vận động chay”. Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết, Quận hội đã phát gần 3.000 làn nhựa cho hội viên dùng đi chợ nhằm hạn chế túi ni lông. Đối với việc gói, bọc thực phẩm, nhiều gia đình lựa chọn túi ni lông tự phân hủy…
Tại huyện Phú Xuyên, phụ nữ cũng tích cực tham gia thu gom phế liệu, phân loại rác thải tại nguồn. Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên Trương Thanh Hưng, đến nay, các cơ sở Hội đã thu được hàng tấn phế liệu nhựa có thể tái chế. Số tiền bán phế liệu nhựa được dùng hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, tặng học bổng cho học sinh nghèo. Cũng nhờ hoạt động này, nhiều gia đình đã chủ động phân loại rác tại nguồn hằng ngày, do đó ngõ xóm thêm sạch, không còn chai nhựa vứt bừa bãi…
Bí thư Huyện đoàn huyện Đan Phượng Vũ Đình Tuấn cho biết, gắn với chiến dịch mùa hè tình nguyện, Huyện đoàn huyện Đan Phượng đã tuyên truyền đến đoàn viên về tác hại của rác thải nhựa và ứng xử có trách nhiệm với môi trường. Huyện đoàn huyện Đan Phượng cũng tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom túi ni lông và rác thải nhựa tại một số khu vực thuộc các xã: Tân Lập, Hạ Mỗ và thị trấn Phùng. Còn Đoàn Thanh niên xã Tân Hội triển khai mô hình trồng 3ha chuối bán lá cho các siêu thị gói, bọc thực phẩm... góp phần hạn chế túi ni lông. Thông qua những hoạt động thiết thực này, ý thức giữ gìn môi trường, nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng lan tỏa.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Tuy đạt được một số kết quả đáng mừng, song nếu chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của người tiêu dùng và một số tổ chức, đoàn thể… thì phong trào khó bền vững. Một yếu tố rất cần thiết là sự tham gia của các nhà sản xuất, đóng gói. Bà Trần Thị Thuận ở phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) cho biết, người dân đã bước đầu ý thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường nhưng nhiều khi không có sự lựa chọn thay thế nên vẫn phải dùng. “Ví như, mì gói, nước đóng chai, bánh kẹo và rất nhiều hàng tiêu dùng khác... đều được bao gói bằng ni lông, nhựa… Việc này rất cần các nhà sản xuất chung tay, nghiên cứu, thay đổi, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường” - bà Thuận kiến nghị.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông, Sở đang cùng các ngành, địa phương xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong chống rác thải nhựa trên địa bàn; ban hành kế hoạch hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó nhiệm vụ ưu tiên là tuyên truyền, phổ biến quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa sâu rộng, trong các tầng lớp nhân dân.
Thiết thực hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, ngày 28-6 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức cho hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ký cam kết phòng, chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông, sản phẩm nhựa cam kết xây dựng lộ trình chuyển đổi sản xuất sản phẩm có khả năng tự phân hủy và đề xuất giải pháp thực hiện; các đơn vị phân phối tiêu dùng có giải pháp tiến tới thay thế 100% các sản phẩm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường...
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức về tác hại của túi ni lông, đồ nhựa với môi trường và sức khỏe con người. Trong đó, thông qua các cấp hội, đoàn thể để xây dựng phong trào nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần từ mỗi gia đình.
“Chúng tôi tuyên truyền đến hội viên, trước mắt không sử dụng túi ni lông khi không cần thiết, dùng một túi lớn để đựng thay nhiều túi nhỏ hoặc mang theo bình nước và ống hút cá nhân để sử dụng; thu gom rác nhựa để làm đồ tái chế hoặc bán phế liệu... Mỗi người dân không chỉ là người tiêu dùng thông minh mà còn là người tiêu dùng có trách nhiệm với cộng đồng” - Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương chia sẻ.
(Còn nữa)
Tại lễ phát động toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi: “Người người, nhà nhà chống rác thải nhựa; không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần; phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa...”. Đây sẽ là tiền đề để mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào nói không với ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần...