Triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết
Đời sống - Ngày đăng : 17:38, 09/11/2022
Đề nghị hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro
Tại phiên thảo luận hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung vào nội dung về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật; giải thích khái niệm “thảm họa”, “sự cố”; đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố; xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự; cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; hoạt động phòng thủ dân sự; tình trạng khẩn cấp; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ Phòng thủ dân sự và những vấn đề khác đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong tình hình hiện nay là hết sức cần thiết. Đại biểu cho rằng, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thực tế thời gian qua xảy ra nhiều sự cố thiên tai, dịch bệnh, từ đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng thủ dân sự, đòi hỏi hoàn thiện cơ sở pháp lý để tích cực chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả các sự cố, thảm họa thiên tai.
Góp ý vào dự thảo luật tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị bổ sung giải thích hai cụm từ là “khu vực sơ tán” và “khu vực tập kết”. Vì đây là nội dung quan trọng và trong thực tiễn, là những khu vực chúng ta phải chuẩn bị ngay từ khi chưa xảy ra thảm họa, sự cố. Khi xảy ra các tình huống thiên tai thì đây là các khu vực sơ tán, phân tán để bảo đảm an toàn cho nhân dân. Đồng thời, đây cũng là khu vực tập kết lực lượng, phương tiện để tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) đề nghị bổ sung các hành vi nghiêm cấm trong dự án luật, hỗ trợ phí bảo hiểm rủi ro ở những nơi xảy ra sự cố thảm họa, thiên tai.
Tán thành nhiều nội dung của dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) ủng hộ quan điểm luật hóa các quy định hiện hành đã được áp dụng ổn định để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giảm thiểu số lượng văn bản hướng dẫn thi hành. Về các biện pháp khắc phục hậu quả, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung cụm từ “điều trị người bị thương, nhiễm độc, nhiễm xạ, tiêu tẩy, tiêu độc” như trong quy định của khoản 1, Điều 31 của dự thảo luật vào các điều tương ứng như Điều 25, 26, 27, 28 về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự.
Ngoài ra, trong quy định về xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự, xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự, đại biểu đề nghị bổ sung hệ thống quan trắc, làm cơ sở cho các dự báo tình huống phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự khi luật được chính thức ban hành.
Phòng thủ dân sự theo địa giới hành chính chưa phù hợp
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho biết, do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố khác nhau nên bên cạnh quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố. Về cấp độ phòng thủ dân sự tại Điều 21 dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính cần được cân nhắc kỹ.
Góp ý về khái niệm phòng thủ dân sự và phạm vi điều chỉnh của luật, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) nêu rõ, yêu cầu về “hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trở lại bình thường” được nêu ở Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị nhưng chưa được thể hiện ở khái niệm phòng thủ dân sự tại Khoản 1, Điều 2 trong dự thảo luật. Dự thảo luật có giải thích khái niệm “sự cố”, “thảm họa” nhưng không rõ ranh giới của sự cố thiên tai, dịch bệnh được điều chỉnh trong luật này với các luật chuyên ngành khác. Mặt khác, khái niệm “thảm họa” chưa phù hợp với cách tiếp cận quốc tế. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh của dự án luật với các luật chuyên ngành, quy định quốc tế, đồng thời, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đại biểu Vương Quốc Thắng cũng lưu ý về tính khả thi của một số quy định trong dự thảo luật như quy định về các dạng thảm họa, sự cố nhưng rất khó phân biệt được thảm họa, sự cố do thiên nhiên hay do con người gây ra và thảm họa, sự cố khác theo quy định pháp luật. Quy định như dự thảo cũng chưa phù hợp với mức độ sự cố về an ninh mạng, sự cố về năng lượng, nguyên tử...
Phát biểu giải trình, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Về phạm vi điều chỉnh của luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo luật đã có sự phân định về phạm vi điều chỉnh, bảo đảm không chồng chéo với các luật hiện hành. Để tạo cơ sở cho việc triển khai các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp với mức độ thảm họa, sự cố, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của sự cố và các cấp độ phòng thủ dân sự, cũng như các biện pháp trong từng cấp độ phòng thủ dân sự.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, chiều 9-11, đã có 20 đại biểu phát biểu ý kiến. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh về dự án luật; cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh và những nội dung cơ bản dự thảo luật như đề nghị Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu gửi đến các vị đại biểu theo dõi, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ năm vào tháng 5-2023.