Thăm bến Nhà Rồng xưa
Du lịch - Ngày đăng : 16:11, 06/07/2019
Bến cảng ghi dấu lịch sử
Bến Nhà Rồng nằm bên sông Sài Gòn, trước kia là trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes (từ năm 1864 - 1955). Đây là một trong những công trình đầu tiên được thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm vùng đất này. Công trình có lối kiến trúc công sở phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương Đông. Đặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt - một lối trang trí phổ biến trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Và công trình ấy được gọi là Nhà Rồng hay bến Nhà Rồng. Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, bến Nhà Rồng được chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Bến Nhà Rồng được tu sửa lại, trang trí hình rồng trên đỉnh mái cũng được thay đổi hướng ra ngoài.
Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày Bác Hồ rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước (5-6-1911), kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử, trở thành khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2-9-1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, bến Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan. Năm 1982, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh), có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam.
Điểm đến thú vị
Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật được tổ chức trưng bày theo các không gian chủ đề theo từng giai đoạn, về thời thơ ấu và thanh niên của Bác, quá trình hoạt động yêu nước và cách mạng, tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định con đường cách mạng Việt Nam (1890 - 1920); vai trò của Người trong Cách mạng Tháng Tám và sự kiện thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930 - 1954); lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954 - 1969)...
Khác với những bảo tàng, khu lưu niệm Bác Hồ ở nhiều nơi trên đất nước cũng như trên thế giới, không gian trưng bày xúc động và đặc biệt nhất tại đây là chuyên đề “Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ”. Kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước tại bến Nhà Rồng năm 1911, trở về lãnh đạo đất nước giành độc lập tự do, rồi kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp quay lại miền Nam. Bác thường nói: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Đối với nhân dân miền Nam, ước mơ đón Bác vào thăm ngày nước nhà thống nhất đã không thành hiện thực khi Bác ra đi mà đất nước còn chia cắt...
Đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh), chị Trần Thu Trang, du khách ở Cần Thơ, xúc động cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đến bến Nhà Rồng. Lần này tôi cho các con theo để chúng hiểu hơn về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cháu rất hứng thú tìm hiểu bởi từ trước tới giờ chỉ được biết về Bác qua sách giáo khoa hay sách truyện. Tôi tin các cháu sẽ “thu hoạch” được nhiều điều bổ ích qua chuyến tham quan này”.
Còn anh Nguyễn Anh Đức, du khách đến từ Hà Nội, bày tỏ ngạc nhiên: “Trước khi đến đây, tôi không hiểu nhiều về bến Nhà Rồng và chỉ biết rằng đây là một di tích kiến trúc. Không ngờ đây còn là một bảo tàng quy mô với nhiều hiện vật và thông tin. Tôi cảm thấy rất thú vị và xúc động!”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ: “Việc tìm theo dấu chân cách mạng của Bác Hồ để hiểu được vì sao thành phố này mang tên Bác là một nhu cầu tự nhiên. Các thế hệ sau luôn muốn tìm hiểu ánh sáng văn hóa của Người đã lan tỏa trong không gian và thời gian như thế nào”.
Tình cảm của du khách trong và ngoài nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện qua những dòng lưu bút được ghi lại trong sổ cảm tưởng của bảo tàng: “Không phải lần đầu tôi được thấy những hình ảnh, hiện vật, mô hình về cuộc đời cách mạng cứu nước của Bác. Nhưng mỗi lần xem lại, tôi vẫn cảm thấy một sự xúc động mới mẻ bởi vì đời Bác lớn lao đến nỗi chúng ta học hoài không hết!” (nhà văn Nguyễn Hải Trừng), “Chúng ta có thể học ở Người những bài học có giá trị về đức tính liêm chính, nhìn xa trông rộng và suốt đời gắn bó với lý tưởng của mình. Chúng tôi, người Mỹ cũng biết chia sẻ lòng yêu tự do, giờ đây có thể cùng các bạn tôn vinh Hồ Chí Minh vĩ đại” (Paul Van Camp. MD, Oregon, Hoa Kỳ), “Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là tấm gương sáng chói về tài năng, đạo đức và lòng yêu nước nồng nàn để thế hệ trẻ noi theo” (Phương Thảo, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn)...
Với những giá trị văn hóa - lịch sử như vậy, bến Nhà Rồng hay Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) bao năm qua luôn là một di tích, một điểm đến đặc biệt. Trung bình mỗi năm, nơi đây thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Hiện nay bảo tàng đang có nhiều kế hoạch đổi mới trong cách trưng bày và tương tác với người xem để ngày càng hấp dẫn và trở thành một trong những điểm tham quan thú vị của thành phố Hồ Chí Minh - một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam.