Khoảng trống nguy hiểm
Thế giới - Ngày đăng : 08:15, 06/07/2019
Với việc Mátxcơva đình chỉ thi hành, INF đã bị “khai tử” sau hơn 30 năm tồn tại và có những đóng góp to lớn nhằm ngăn ngừa xung đột hạt nhân tại châu Âu, đặc biệt là chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga cũng như trên toàn cầu. Quyết định của điện Kremlin diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington bắt đầu tiến trình rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ ngày 2-2-2019.
Lý do mà phía Mỹ đưa ra để giải thích cho hành động của mình là Nga đã vi phạm hiệp ước khi chế tạo và triển khai tên lửa “Novator 9M729”. Tuy nhiên, Washington lại không thể công bố các bằng chứng để chứng minh cáo buộc của mình. Trong thời gian qua, Nga và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm cứu vãn INF, nhưng đều thất bại do hai bên không thể đạt được nhất trí về bất kỳ vấn đề nào.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo văn bản này, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn (từ 500km đến 5.500km). Suốt hơn 3 thập kỷ qua, INF được đánh giá là hiệp ước quan trọng thời Chiến tranh Lạnh giúp ngăn chặn một cuộc chạy đua hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới thông qua việc “đóng băng” hoạt động sản xuất, thử nghiệm các loại vũ khí mới.
Trên thực tế, dù Nga và Mỹ vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận, song ít nhiều việc cả hai cùng duy trì thực hiện các cam kết của INF đã hạn chế được nhiều mối hiểm họa. Trong bối cảnh cạnh tranh và đối đầu chiến lược vẫn diễn ra quyết liệt, Mátxcơva và Washington đều có những bước đi nhằm thường xuyên hiện đại hóa kho vũ khí của mình để củng cố sức mạnh. Những thỏa thuận tương tự INF hay Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3) chính là “dây neo” giữ hai nước không vượt quá “giới hạn đỏ” có thể gây nguy hiểm tới sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Do đó, việc hai cường quốc cùng rút khỏi INF đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ ở châu Âu mà khắp thế giới. Nga lo ngại Mỹ sẽ triển khai tên lửa tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại châu Á và châu Âu, trực tiếp đe dọa an ninh thế giới nói chung và nước Nga nói riêng. Mối quan ngại này có cơ sở khi báo cáo của Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) hồi đầu tháng 5 vừa qua cho biết, chỉ trong 3 tháng sau khi rút khỏi INF, Lầu Năm Góc đã ký nhiều thỏa thuận phát triển tên lửa với các nhà thầu có tổng giá trị lên đến 1,1 tỷ USD. Cũng chỉ 1 tháng sau khi từ bỏ INF, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2020, bao gồm hàng loạt chương trình phát triển tên lửa từng bị cấm bởi hiệp ước này.
Trong khi đó, sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang làm thay đổi nhận thức của Nga về các mối đe dọa. Mới đây, liên quan đến việc đình chỉ thực thi INF, Mátxcơva tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp quân sự đáp trả những hành động gây nguy hiểm cho nước Nga của NATO. Theo các quan chức xứ Bạch dương, trong những năm gần đây, NATO đã thể hiện thái độ “nước đôi” trong quan hệ với Nga khi vừa răn đe vừa đối thoại. Vì vậy, Mátxcơva cũng sẽ có ứng xử tương tự nhằm kiềm chế các ý định gây hấn của NATO.
Từng được coi là văn kiện có ý nghĩa sống còn nhằm bảo vệ châu Âu khỏi tầm bắn của các loại tên lửa hạt nhân, sự đổ vỡ của INF đang tạo ra khoảng trống nguy hiểm có nguy cơ khiến thế giới đứng trước nhiều bất ổn và xung đột khi bị mất đi một cơ chế kiểm soát hiệu quả.