Mối lo không thừa
Giải trí - Ngày đăng : 11:42, 06/07/2019
Đây quả thật là mức giải thưởng “khủng” đối với một chương trình truyền hình thực tế. Và đó có lẽ cũng là một phần lý do khiến chương trình này có khả năng thu hút hàng nghìn thí sinh từ 4 - 13 tuổi đăng ký tham gia ngay từ mùa đầu tiên như vậy.
Cuộc thi cũng phản ánh thực tế nhu cầu sử dụng và số lượng mẫu nhí ở Việt Nam đang tăng lên một cách nhanh chóng, giống với xu thế chung của các nước láng giềng. Bởi cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng thời trang, tiêu dùng cho thiếu nhi, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử chính là động lực khiến cho nhu cầu về mẫu nhí tăng cao.
Rất nhiều em bé được chào mời với những hợp đồng quảng cáo, biểu diễn “béo bở” không thua kém gì người lớn. Điều này vừa mở ra cơ hội cho các em được phát triển năng khiếu đồng thời cũng đặt ra rất nhiều vấn đề trong việc đào tạo, sử dụng và quản lý mẫu nhí như thế nào để có thể bảo vệ được trẻ em trước nhu cầu phát triển, khai thác ồ ạt hiện nay.
Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc có thể thấy rất nhiều bài học, cũng là nguy cơ có thể xảy đến với thế hệ mẫu nhí mới của Việt Nam hiện nay. Khoảng từ năm 2010 trở lại đây, ngành công nghiệp thời trang, tiêu dùng cho thiếu nhi phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc, khiến nhiều thứ bị biến tướng.
Nhiều trẻ em buộc phải tham gia các khóa đào tạo khắt khe, chịu sự quản thúc của các công ty quản lý với lịch làm việc dày đặc như người mẫu trưởng thành và phải diện những trang phục không phù hợp lứa tuổi. Mặc dù luật pháp Trung Quốc cấm chủ doanh nghiệp thuê trẻ em dưới 16 tuổi làm việc nhưng các dịch vụ đặc thù như thể thao, trình diễn nghệ thuật, bao gồm việc làm mẫu và diễn xuất lại được cho là ngoại lệ. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, thậm chí chính các bậc cha mẹ cũng đã lợi dụng kẽ hở này để bắt con mình “cày cuốc” đến kiệt sức.
Việc có nhiều trường hợp các bé bị ngất khi đang biểu diễn, hoặc bị quát, đánh mắng trong quá trình tập luyện "được" đưa lên mạng cùng với dư luận không tốt về việc các em phải trang điểm, ăn mặc như người lớn... đã khiến chính quyền nước này liên tục thắt chặt các chương trình truyền hình có sử dụng trẻ em, siết chặt hoạt động biểu diễn thời trang nhí...
Vẫn biết các chương trình truyền hình thực tế, tìm kiếm tài năng thiếu nhi là một xu hướng tất yếu của giải trí hiện nay. Nhưng làm thế nào để các chương trình thực sự là sân chơi mang ý nghĩa phát hiện tài năng, động viên các em theo đuổi con đường nghệ thuật, hơn là sớm “quẳng” các em vào một nghề nghiệp có quá nhiều áp lực như ngành biểu diễn thời trang, là việc mà các cơ quan liên quan cần cân nhắc, tính toán kỹ. Đó chắc chắn là mối lo không thừa!