Coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:07, 06/07/2019
Quan hệ song phương phát triển ổn định, lành mạnh
Việt Nam –Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18-1-1950. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Đặc biệt, năm 2015 và 2017, Tổng Bí thư hai Đảng đã có các chuyến thăm lịch sử trong cùng một năm. Việc duy trì trao đổi, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tăng cường tin cậy chính trị, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại, nảy sinh, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, bền vững.
Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp tham dự Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại thành phố Thượng Hải; hai lần gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mê Công - Lan Thương tại Campuchia và Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 tại Bỉ. Cũng trong năm 2018, hai nước cũng trao đổi nhiều đoàn các cấp sang thăm lẫn nhau nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai bên. Tháng 4-2019 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” tại Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, trong năm 2018, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã thăm chính thức Việt Nam; Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa thăm và tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tại Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thăm Việt Nam tháng 5-2019…
Về quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc, tiếp theo chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vào năm 2015, tháng 11-2016, đồng chí Trương Đức Giang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam cấp cao nhất của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong năm 2016 và là chuyến thăm lại Việt Nam của người đứng đầu cơ quan lập pháp Trung Quốc sau 15 năm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thăm Trung Quốc (tháng 12-2017); Phó Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc Trần Trúc sang Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (tháng 1-2018). Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cơ quan chuyên môn của hai Quốc hội...
Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhấn mạnh, tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo dày công vun đắp, là tài sản vô cùng quý báu mà hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước cần kế thừa và phát huy; khẳng định sẽ nỗ lực đưa quan hệ hai nước phát triển đi vào chiều sâu; ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước.
Hợp tác kinh tế - thương mại là điểm sáng
Hợp tác kinh tế giữa hai nước tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ tám, thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và là thị trường nhập khẩu lớn thứ chín của Trung Quốc.
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 106,7 tỷ USD (tăng 13,8% so với năm 2017). Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt 33,24 tỷ USD (tăng 11,58%) so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến cuối tháng 5-2019, Trung Quốc có 2.387 dự án đầu tư có hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,1 tỷ USD, đứng thứ 7/131 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về du lịch, 4 tháng đầu năm 2019, có 1,3 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam. Mỗi năm có hơn 1 triệu du khách Việt Nam đi Trung Quốc du lịch. Nếu tính cả giao lưu qua biên giới thì mỗi năm số lượng qua lại giữa hai bên đạt khoảng 12 triệu lượt người.
Về vấn đề trên biển, hai bên duy trì trao đổi thường xuyên về vấn đề này tại các cuộc gặp cấp cao và các cấp. Hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” và đạt được nhiều nhận thức chung về việc kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thể hiện Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc; mong muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp lên tầm cao mới.
Chuyến thăm cũng nhằm tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy thực hiện những nhận thức chung và thỏa thuận cấp cao đạt được giữa lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc; thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, các văn kiện, chương trình, dự án hợp tác đã ký kết; phương hướng hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân đại Trung Quốc trong thời gian tới. Hai bên cũng trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Trung Quốc trong các lĩnh vực cụ thể về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục; hợp tác trên các diễn đàn đa phương; trao đổi về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm...