Nhật Bản - Hàn Quốc: Chuyện cũ, tranh cãi mới
Thế giới - Ngày đăng : 07:22, 07/07/2019
Tranh cãi bắt đầu bùng nổ khi Nhật Bản thông báo siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất điện thoại thông minh sang thị trường Hàn Quốc kể từ ngày 4-7-2019. Các nguyên liệu bị hạn chế gồm: Nhựa nhiệt dẻo được sử dụng trong sản xuất màn hình OLED, chất cản màu được sử dụng để chuyển mô hình mạch sang chất nền bán dẫn, hydro clorua có độ tinh khiết cao được sử dụng làm khí ăn mòn trong sản xuất chất bán dẫn. Việc Nhật Bản ngừng cấp ưu đãi ba nguyên liệu này sang Hàn Quốc đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải xin giấy phép và thời gian bị kéo dài thêm 90 ngày. Ngoài ra, Tokyo cũng bắt đầu quá trình xem xét, loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" gồm 27 nước ít bị hạn chế trong việc chuyển giao công nghệ có liên quan đến an ninh quốc gia Nhật Bản.
Mặc dù Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, các biện pháp này được đưa ra bởi lý do an ninh, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đây là động thái đáp trả của Tokyo liên quan tới phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào cuối năm ngoái. Theo đó, Seoul cho rằng, các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy trước và trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Nhật Bản đã phản ứng gay gắt với phán quyết này và cho rằng, khoản bồi thường này đã được trao trả theo hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1965. Vì vậy, Nhật Bản không có trách nhiệm phải bồi thường thêm nữa. Chính phủ Nhật Bản cũng nhắc lại lời kêu gọi Hàn Quốc thực thi thỏa thuận song phương năm 2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui” thông qua kênh ngoại giao. Theo thỏa thuận, Tokyo cung cấp 1 tỷ yên (9,27 triệu USD) cho "Quỹ Hòa giải và chữa lành vết thương" để hỗ trợ các phụ nữ và gia đình những người bị ép làm việc tại các nhà chứa của quân đội Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Phản ứng trước việc Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu 3 nhóm nguyên liệu công nghệ cao, ngày 5-7, Hàn Quốc đã chính thức giải thể "Quỹ Hòa giải và chữa lành vết thương". Theo quan điểm của Seoul, thỏa thuận trên không được dư luận Hàn Quốc hưởng ứng vì nó không phản ánh được lập trường của những người đã từng bị ép làm "phụ nữ mua vui". Trước khi đưa ra quyết định giải thể quỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Seoul không có ý định tranh cãi về thỏa thuận hoặc tái đàm phán với Tokyo.
Các động thái "ăn miếng trả miếng" giữa Hàn Quốc - Nhật Bản làm dấy lên quan ngại căng thẳng giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á có thể vượt tầm kiểm soát và bùng phát thành chiến tranh thương mại. Hiện tại, các công ty sản xuất vi mạch và màn hình ở Hàn Quốc đang là đối tượng hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cổ phiếu LG Display mất 3,6%, Samsung cũng giảm 1,6% chốt phiên giao dịch cuối tuần. Trong khi đó các mặt hàng này chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Xứ sở kim chi. Người dân Hàn Quốc đã gửi đơn kiến nghị tới Phủ Tổng thống, kêu gọi tẩy chay một loạt hàng hóa của Nhật Bản như ô tô, bia, rượu, hóa mỹ phẩm... Chỉ trong 4 ngày, đơn kiến nghị này đã tập hợp được ít nhất 17.000 chữ ký ủng hộ.
Theo Giáo sư Stephen Nagy, Đại học quốc tế Cơ đốc giáo (Nhật Bản), thời gian qua, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc được duy trì ổn định dựa trên 3 trụ cột hợp tác chính là quốc phòng, chính trị và kinh tế. Căng thẳng hiện nay giữa Tokyo và Seoul cho thấy các trụ cột truyền thống đang bị rạn nứt, rất khó để hóa giải nếu lãnh đạo hai nước không có những cuộc đối thoại.