Giúp xã hội, giúp chính mình!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 08/07/2019
Kết quả đó có được, một phần là nhờ chương trình bình ổn thị trường được thành phố triển khai, với sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng, hệ thống cung ứng hàng hóa lớn.
Đặc biệt hơn, chương trình còn có ý nghĩa về mặt an sinh xã hội khi các doanh nghiệp cung ứng đã chủ động tổ chức đưa hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa; mở điểm bán hàng lưu động ở khu vực ngoại thành - nơi hệ thống thương mại hiện đại chưa vươn tới; ở các khu công nghiệp - nơi tập trung đông người lao động, là đối tượng cần được thụ hưởng chương trình ý nghĩa này. Con số tổng lượng hàng bình ổn đạt giá trị khoảng 28.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 30-40% thị phần hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi là minh chứng rõ nhất.
Ở góc độ kinh tế, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, nguồn cung một số mặt hàng chưa đủ mạnh, hệ thống phân phối chưa hoàn thiện thì việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường là rất cần thiết nhằm góp phần kiểm soát chỉ số giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Với tác động nhiều mặt và hiệu quả đạt được thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2019. Theo đó, lượng hàng hóa thiết yếu thường xuyên sẽ đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong một tháng. Lượng hàng hóa huy động tăng cường trong dịp lễ, Tết chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường. Chương trình tiếp tục mang tính xã hội hóa cao với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Thành phố với vai trò tổ chức, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa qua chương trình hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố và chương trình kết nối đơn vị sản xuất - đơn vị cung ứng...
Thành phố Hà Nội là một thị trường có sức tiêu thụ lớn, nơi trung chuyển hàng hóa đến nhiều vùng, miền nên nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về nguồn cung, sẽ khó có thể ổn định được thị trường, giá cả. Để cân đối được cung - cầu hàng hóa thì không thể thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính, mà cần có kế hoạch cụ thể, cả về cơ chế, chính sách, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia nhằm đạt được mục đích, ý nghĩa của chương trình.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về thị trường để lợi dụng tăng giá; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt là quyết liệt ngăn chặn nạn buôn lậu để bảo đảm lành mạnh thị trường.
Ở góc độ doanh nghiệp, bên cạnh việc kinh doanh, tham gia chương trình còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội. Trách nhiệm ở đây, trước hết là chủ động bảo đảm nguồn cung hàng hóa như cam kết; bảo đảm chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng...
Xa hơn, doanh nghiệp phải chủ động hoàn thiện quy trình quản lý, sản xuất theo hướng hiện đại, khép kín từ sản xuất đến cung ứng, từ đó chủ động được nguồn cung, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh bảo đảm ổn định giá cả. Một đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh, đủ sức chi phối về hàng hóa, bảo đảm ổn định được thị trường và có trách nhiệm với cộng đồng chính là mục tiêu cần hướng tới.
Thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường chính là góp phần giữ ổn định phát triển. Vì thế, với mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia, hoạt động này sẽ nhận về giá trị kép: Giúp xã hội và giúp chính mình!