Hà Nội: Xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện kinh tế - xã hội
Kinh tế - Ngày đăng : 10:59, 08/07/2019
Kinh tế - xã hội phát triển ổn định, GRDP tăng cao hơn cùng kỳ
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả toàn diện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,21% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,15%); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, hoàn thành sớm 2 năm thực hiện mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2020…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, UBND thành phố cũng chỉ ra một số tồn tại và hạn chế.
Một số chỉ tiêu vẫn duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ như: Sản xuất công nghiệp; tổng mức bán ra và bán lẻ hàng hóa; doanh thu dịch vụ; kim ngạch xuất - nhập khẩu; khách du lịch. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ; bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp, làm giảm hơn 8% tổng số đàn so với cùng kỳ năm trước; công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; công tác quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư còn bất cập; còn tồn tại những hành vi thiếu văn hóa diễn ra nơi công cộng…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, những hạn chế trên có nguyên nhân khách quan như: Một số chỉ tiêu cùng kỳ năm 2018 tăng trưởng cao đột biến (du lịch, bán lẻ, xuất-nhập khẩu) nên năm nay không đạt mức tăng tương đương cùng kỳ; một số cơ sở sản xuất công nghiệp dịch chuyển sản xuất sang các tỉnh lân cận; chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu do điều chỉnh giá điện và một số dịch vụ; tốc độ đô thị hóa cao, di dân cơ học lớn, tạo ra áp lực lên toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Thủ đô, nhất là khu vực nội thành.
Nguyên nhân chủ quan là do việc giải quyết công việc thiếu tập trung, thiếu sáng tạo, chưa thực sự quyết liệt ở một số đơn vị; năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chủ đầu tư một số dự án còn thiếu chủ động, thiếu tính chuyên nghiệp; sự phối hợp giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền còn bị động, thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả.
Cần làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế
Nhận định về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, tại báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, báo cáo của UBND thành phố chưa xác định rõ nguyên nhân chủ quan của một số chỉ tiêu đạt thấp, một số tồn tại, hạn chế để làm căn cứ xác định giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019.
Trên cơ sở đó, Ban đề nghị UBND thành phố làm rõ nguyên nhân dẫn đến số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ trong khi thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
UBND thành phố cần làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự của thành phố, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan do ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật của một số người đứng đầu đơn vị và một bộ phận nhân dân còn chưa tốt. Công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa bảo đảm đúng quy định trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước như đất đai, trật tự đô thị, quản lý tài sản công, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn còn tình trạng buông lỏng, vi phạm kéo dài.
Về phương án vay lại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, tại báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga nêu, khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hằng năm của thành phố và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND thành phố trình.
Để có thêm thông tin cho đại biểu HĐND thành phố thảo luận, quyết nghị, Ban đề nghị UBND thành phố làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến thời điểm thành phố bắt đầu nhận nợ, tiến độ phải thực hiện hoàn trả đối với số nợ gốc và lãi đã được Bộ Giao thông -Vận tải ứng ra trả trước thời điểm bàn giao dự án, khả năng cân đối ngân sách trong trường hợp bắt đầu trả nợ ngay từ năm 2019...
Về nội dung đưa Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận định, nội dung trình và ý kiến của HĐND thành phố là bước pháp lý ban đầu, đáp ứng yêu cầu về hồ sơ trước khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất về việc cần sớm triển khai dự án và đề nghị HĐND thành phố chấp thuận việc triển khai dự án từ nguồn vốn vay của chính quyền địa phương.
9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019
Báo cáo của UBND thành phố nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các chương trình làm việc của Thành ủy, HĐND thành phố và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Kế hoạch của Thành ủy về thực hiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Để đạt mức tăng trưởng đề ra từ đầu năm là 7,4-7,6%, 6 tháng cuối năm 2019, Hà Nội cần đạt mức tăng trưởng 7,6-8%. Thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành những chỉ tiêu đạt thấp và còn khó khăn như: Tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu;
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, điều hành thu - chi ngân sách hiệu quả;
Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo.