Những kiến nghị gửi tới kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố
Chính trị - Ngày đăng : 07:29, 08/07/2019
Phân cấp, quản lý quy hoạch và đô thị còn “điểm nghẽn”
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm và các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Ứng Hòa, Thường Tín, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai đề nghị xem xét một số nội dung liên quan đến việc phân cấp tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, liên quan đến phân cấp về lĩnh vực nông nghiệp, cử tri Đỗ Hùng Cường (xã Kim An, huyện Thanh Oai) phản ánh, hệ thống kênh mương do các đơn vị của thành phố quản lý còn nhiều bất cập trong điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp. Từ việc này, cử tri đề nghị thành phố phân cấp cho cấp huyện quản lý hệ thống kênh mương nhằm hóa giải bất cập trên.
Đối với lĩnh vực đô thị, cử tri Nguyễn Thị Độ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) đề nghị UBND thành phố nên giao việc cải tạo, chỉnh trang đường phố, hè phố; hệ thống đèn chiếu sáng ngõ, phố về UBND cấp quận. Bởi hiện tại, việc này do UBND thành phố giao cho các sở chuyên ngành quản lý, nhưng do địa bàn rộng, dẫn tới việc sửa chữa, chỉnh trang phải qua nhiều cấp báo cáo, trình duyệt, thời gian kéo dài.
Trong khi đó, cử tri các quận Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên đề nghị thành phố xem xét, thông tin tới nhân dân vấn đề: Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo dừng xây dựng nhà cao tầng trong các quận trung tâm và thành phố cũng đã có chủ trương hạn chế xây nhà cao tầng trong nội đô, nhưng thực tế nhiều nhà cao tầng vẫn mọc lên, kéo theo nhiều hệ lụy.
Cử tri Nguyễn Đắc Tiến (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, cũng chính vì quá tải hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giao thông, nên một số nơi xảy ra tình trạng xe ô tô đỗ sai quy định, gây ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, cử tri quận Thanh Xuân, Hà Đông và Long Biên phản ánh, việc quản lý nhà chung cư nói chung và giải quyết những bất cập tại các khu chung cư thương mại còn nhiều khó khăn.
“Theo quy định của Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, phải có trên 50% chủ sở hữu tham dự hội nghị chung cư thì việc thành lập Ban quản trị mới có hiệu lực. Tuy nhiên, quy định này rất khó thực hiện trong thực tế, dẫn đến Ban quản trị không được một số cư dân đồng thuận, không có “tiếng nói” khi điều hành. Vì vậy, đề nghị thành phố đề xuất Bộ Xây dựng sửa quy định này” - cử tri Đỗ Đình Hồng (phường Văn Quán, quận Hà Đông) phản ánh.
Ngoài ra, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND thành phố sớm có biện pháp xử lý các công trình xây dựng mà chủ đầu tư không thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy, chữa cháy, nhất là công trình không có khả năng khắc phục.
Cử tri các quận Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đề nghị UBND thành phố có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, trong đó chú ý hoàn trả mặt đường giao thông tốt hơn.
Nhiều kiến nghị về lĩnh vực văn hóa, xã hội
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, cử tri huyện Đan Phượng, Chương Mỹ, Thạch Thất đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh tốt hơn nữa.
Ngoài ra, thành phố quan tâm, sớm chỉ đạo tổ chức kỳ tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2019 bảo đảm về thời gian trước khi các trường bước vào năm học mới 2019-2020.
Về vấn đề môi trường, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND thành phố nghiên cứu, có biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất… trước khi xả thải ra môi trường. Đối với vấn đề an ninh trật tự, cử tri quận Hai Bà Trưng và các huyện: Thường Tín, Phúc Thọ mong muốn các ngành chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, những kiến nghị, mong muốn của cử tri là chính đáng và có cơ sở. Qua hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND thành phố, việc thực hiện phân cấp ở một số lĩnh vực còn bất cập; công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng dù đã được quan tâm nhưng chuyển biến chậm; vấn đề vệ sinh môi trường dù có nhiều cố gắng nhưng chưa như kỳ vọng.
“Tại kỳ họp thứ chín, các kiến nghị của cử tri sẽ được Thường trực HĐND thành phố tiếp thu đưa vào chương trình, nội dung kỳ họp để xem xét, thảo luận, quyết định, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.