Khắc phục “điểm nghẽn” cho ngành logistics
Kinh tế - Ngày đăng : 08:01, 09/07/2019
Theo báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), trong số 160 nước được điều tra, Việt Nam xếp hạng 39, tăng 25 bậc so với hạng 64 trong năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng chỉ số LPI (năm 2007) đến nay.
Nhận định về kết quả này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với những ưu đãi thuế quan sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và khi đó sản xuất sẽ tăng, tạo ra nguồn hàng lớn. Đây là cơ hội “vàng” cho ngành logistics Việt Nam tăng trưởng, tạo đòn bẩy cho hoạt động xuất, nhập khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận xét, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có bước phát triển nhanh và mạnh với tốc độ 13-15%/năm. Do nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, với bờ biển dài khoảng 3.260km, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu đến với thế giới.
Mặc dù đã có nhiều cải tiến về hạ tầng cho logistics, nhưng ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, còn thiếu sự kết nối giữa các phương tiện, các hình thức giao thông vận tải, nhất là giữa đường bộ và đường biển, đường sắt. Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp logistics là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nên thua thiệt trong cạnh tranh. Các đơn vị cung cấp các công đoạn khác nhau của chuỗi logistics như dịch vụ kho, dịch vụ vận tải… chưa có sự liên kết mang tính xâu chuỗi cũng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, ngành logistics còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực, do chưa được đào tạo một cách bài bản. Đơn cử như Hà Nội, hiện đã có đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước. Song, những rào cản về cơ sở hạ tầng chưa tương ứng; hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics như chuỗi dịch vụ chuyên chở, lưu trữ và cung ứng hàng hóa còn chồng chéo, thiếu tính ổn định; nguồn nhân lực không chuyên nghiệp… đang làm chậm sự phát triển ngành dịch vụ logistics của thành phố.
Để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ nhận định, các địa phương nên đầu tư tích cực hơn nữa về hạ tầng để kết nối giữa các cảng và trung tâm logistics. Đặc biệt phải đẩy mạnh liên kết với các nhà đầu tư từ nước ngoài, chuyên nghiệp về logistics để cung cấp cho doanh nghiệp các phần mềm quản trị, quy trình quản lý…
Còn theo ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, ngoài vấn đề về chính sách, kết cấu hạ tầng, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ logistics. Theo đó, các công ty này phải phấn đấu nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và giảm giá thành; nâng cao trình độ thông quan qua việc ứng dụng công nghệ mới và năng lực cán bộ làm công tác dịch vụ; qua đó, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.