Vì cuộc sống người dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:05, 10/07/2019
Tại phiên chất vấn, HĐND thành phố đã đưa ra 3 nhóm vấn đề để tiếp tục giám sát, gồm: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố; nội dung thực hiện đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố" và nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ họp, Thường trực HĐND và các ban của HĐND thành phố đã thực hiện hàng chục đợt giám sát chuyên đề. Sau đó, Thường trực HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố có báo cáo và đã nhận được 3 văn bản về kết quả thực hiện các nội dung trên. Vì thế tại phiên chất vấn, việc “hỏi nhanh, đáp gọn” cho thấy sự cầu thị của người trả lời cũng như trách nhiệm của đại biểu với cử tri.
Cả 3 nhóm vấn đề chất vấn, gián tiếp và trực tiếp, ít nhiều đều liên quan tới cuộc sống của người dân. Trong đó, trực diện hơn và cũng làm "nóng" nghị trường hơn cả là công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Bởi sau hơn 2 năm xảy ra vụ cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) ngày 1-11-2016, làm 13 người chết, dù đã siết chặt quản lý nhưng đến nay vẫn còn 500 cơ sở karaoke không đủ điều kiện, chủ yếu về phòng cháy, chữa cháy.
Chưa kể vấn đề cháy kho xưởng nằm sâu trong khu dân cư, các tòa chung cư không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn có hàng trăm hộ dân sinh sống, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ... Ngoài lỗ hổng về cơ chế chính sách, thực tế đó cũng cho thấy sự buông lỏng trong quản lý của hệ thống chính quyền các cấp vẫn xuất hiện đâu đó. Tại phiên chất vấn ngày 9-7, lãnh đạo UBND thành phố, các sở, quận, huyện đã thẳng thắn nhận trách nhiệm cũng như đề xuất hướng khắc phục.
Rõ trách nhiệm đến từng cá nhân, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) là những chuyển biến rõ nét trong điều hành và chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố thời gian qua. Sự nhất quán đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị và cán bộ, công chức, viên chức hành chính phải từ bỏ thói quen làm việc trì trệ. Cũng chỉ qua hành động thực tế sẽ chứng minh những “công bộc” của dân ai có năng lực, trách nhiệm hay không.
Với một đô thị - Thủ đô đang phát triển nhanh thì những nảy sinh từ đời sống sẽ không dừng lại. Hơn lúc nào hết, cử tri mong đợi sau những cam kết nhận trách nhiệm, đề xuất hướng khắc phục phải là những hành động cụ thể, tạo chuyển biến thật sự từ phía các cơ quan quản lý. Từ đó làm cho bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô thời gian tới thêm những gam màu sáng. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi các cấp, ngành, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phong cách, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; vừa mở rộng và phát huy dân chủ, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy lùi tiêu cực, nhũng nhiễu; tận tâm, tận lực tập trung giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi, cử tri và nhân dân quan tâm.
Ngoài ra, để làm tốt hơn những phần việc trên, rất cần sự hỗ trợ của nhân dân và cơ quan báo chí trong việc giám sát, cung cấp thông tin để thành phố xử lý các vi phạm (nếu có). Đồng thời, cũng cần có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời những người mạnh dạn phản ánh, tố cáo những hành vi chưa đẹp, sai trái. Gắn với đó, việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý cán bộ cấp dưới cũng cần được triển khai mạnh mẽ hơn.
Vì cuộc sống ngày một tốt hơn là kỳ vọng của cử tri thôi thúc mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị Thủ đô phải hành động mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn.