Cảm nhận phố Hội
Du lịch - Ngày đăng : 15:33, 10/07/2019
Khách du lịch đến Đà Nẵng thường được giới thiệu đi Hội An – một đô thị cổ cách Đà Nẵng 30km, đường sá rất tiện lợi. Rất nhiều tour đến Hội An sáng đi chiều về nhưng theo tôi, để sống thật chậm ở đô thị này, bạn nên có một đêm trải nghiệm ở phố cổ.
Từ Đà Nẵng, lên xe buýt tuyến Đà Nẵng - Hội An chỉ một tiếng sau là bạn đã có mặt tại đô thị cổ. Để tìm hiểu về một vùng đất mà ở khách sạn thì phí quá, bạn nên trải nghiệm homestay. Đừng nghĩ ở cùng gia chủ thì phiền hà và không tiện nghi như khách sạn. Ngược lại, ở homestay tiết kiệm, ấm cúng vì đây là nơi để bạn có thể hiểu rõ nhất về sinh hoạt, con người, đặc trưng văn hóa của dân bản địa. Homestay sẽ cho bạn “sống” được nhiều.
Homestay tôi ở nằm trên phố Nguyễn Phúc Tần, rất gần quảng trường sông Hoài và chợ đêm, bởi vậy chỉ cần đi bộ là đến chùa Cầu và vào phố cổ. Homestay này không lộng lẫy nhưng đầy đủ tiện nghi, yên tĩnh và rất sạch sẽ. Những lần ở khách sạn, tôi được bộ phận lễ tân chỉ đến ăn cơm gà bà Buội, bánh mì Phượng – nơi mà rất đông khách du lịch tìm đến. Ở homestay, tôi được chỉ đến ăn chỗ chất lượng không kém, giá lại “bèo” mà dân địa phương hay ăn. Bà chủ còn nhiệt tình vẽ đường từng địa điểm để khách đi chơi, giới thiệu các cửa hàng độc đáo và chất lượng để khách ghé thăm.
Vào buổi sáng tinh mơ, khi cả khu phố vẫn đang chìm trong giấc ngủ, đạp xe vòng quanh Hội An, bạn sẽ cảm thấy vô cùng yên bình như thể cái thế giới ồn ào, xô bồ ngoài kia là một nơi nào đó xa vời lắm. Vài người đi tập thể dục lướt qua, chậm rãi và khoan thai, họ trò chuyện với nhau khe khẽ như sợ nếu nói to sẽ làm mất đi sự tĩnh lặng vô giá ấy.
Điểm đặc biệt nhất của Hội An chính là nét đẹp truyền thống cổ xưa pha lẫn sự trẻ trung hiện đại. Phải công nhận là hiếm có nơi nào lưu giữ được nét bản sắc văn hóa tốt như Hội An. Từng ngôi nhà, đền chùa vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa cũ, vẫn mái ngói âm dương, vách gỗ nâu hay tường vàng đậm khiến Hội An như sáng bừng dưới ánh mặt trời buổi sớm.
Tản bộ trên những con đường nhỏ, những hàng cây ven đường cũng nhỏ, thoang thoảng hương trầm hoài cổ, nhìn nắng nhảy nhót lọt qua tán lá và những giàn hoa giấy, hoa sử quân tử rực sắc hồng, đỏ bỗng thấy yêu hơn mảnh đất này.
Đêm xuống, Hội An thay "xiêm y". Ban ngày, Hội An trông như “những cô hàng xén răng đen”, mộc mạc và đơn giản. Còn vào đêm trăng rằm, Hội An biến thành một "bà hoàng cung đình" với những sắc đèn màu muôn nơi từ quán trà, bar, café, chợ, trên đường phố lẫn dưới dòng sông... lung linh, rực rỡ.
Người người nườm nượp từ các con phố đổ ra, tiếng mời chào, tiếng nói cười khắp nơi. Khách du lịch đến Hội An rất đông, nhất là khách du lịch nước ngoài nên các dịch vụ ở đây không thiếu thứ gì, từ những cửa hàng truyền thống của Việt Nam đến những nhà hàng đậm chất phương Tây.
Ai thích nghệ thuật và trò chơi dân gian thì có thể tham gia hát bài chòi. Đặc biệt, cả khách nước ngoài và ta đều rất thích quây quần quanh một nhạc quán. Nơi đây chỉ có tiếng đàn guitar, tiếng gõ nhịp và tiếng hát trong vắt cất lên những giai điệu tình ca ngọt ngào. Thế thôi mà cũng đủ lắng đọng, say mê.
Trăng lên, tròn vành vạnh và sáng rực, không bị lu mờ bởi những ánh đèn của các tòa nhà cao tầng ở thành phố. Ánh trăng đưa tôi đi qua các con phố, như mộng như mị, ngược dòng thời gian trở về với những kỷ niệm thời thơ ấu.
Ngẫm ra, mọi thứ nơi phố Hội dẫu có đông vui vẫn đầy tế nhị, dẫu có những thanh âm vang lên cũng không chua chát, sỗ sàng. 20 năm trước (1999), Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới thuộc loại hình di sản vật thể, nhưng điều đặc biệt là càng ngày ta càng ngộ ra giá trị của nó chủ yếu lại ở phần phi vật thể. Con người Hội An bằng sự bình dị, chân thành của mình đã giành được lòng yêu mến vô cùng của du khách.