Kỷ nguyên mới ở Hy Lạp
Thế giới - Ngày đăng : 07:31, 10/07/2019
Với hơn 90% số phiếu được kiểm, đảng ND đã giành được 39,8% số phiếu bầu, cao hơn nhiều so với mức 31,5% của đảng cánh tả Syriza, vốn cầm quyền trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của ông Alexis Tsipras. Được tiến hành sớm 3 tháng theo lời kêu gọi của ông A.Tsipras, đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi Hy Lạp kết thúc 3 gói cứu trợ tài chính liên tiếp của quốc tế. Quyết định này được đưa ra sau khi đảng cánh tả Syriza của ông A.Tsipras thất bại nặng nề trước đảng ND trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và bầu cử địa phương hồi tháng 5-2019.
Chính phủ cánh tả của Thủ tướng A.Tsipras lên nắm quyền năm 2015, đúng thời điểm Hy Lạp đứng bên vực phá sản và có nguy cơ bị đẩy ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Khi đó, ông A.Tsipras nhận được sự ủng hộ của cử tri nhờ cương lĩnh của đảng Syriza phản đối các chính sách tài chính khắc khổ của châu Âu. Tuy nhiên, vài tháng sau khi lên nắm quyền, ông A.Tsipras buộc phải cam kết nhận thêm 3 gói cứu trợ tài chính mới từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đổi lại, Athens sẽ phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Các chính sách này đã giúp Hy Lạp cải thiện được tình trạng của nền kinh tế và từ năm 2017 bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhưng đời sống người lao động vẫn rất khó khăn. Điều này đồng nghĩa uy tín của Thủ tướng A.Tsipras đối với cử tri sụt giảm nhanh chóng.
Ngày 8-7, ông Kyriakos Mitsotakis, lãnh đạo đảng ND đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, bắt đầu một kỷ nguyên mới của phe bảo thủ ở quốc gia được mệnh danh là “đất nước của những vị thần”. Vị tân Thủ tướng cam kết sẽ nỗ lực chèo lái đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn. Ông K.Mitsotakis lên nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Hy Lạp đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp đã và đang tiếp tục có những chuyển biến tích cực kể từ quý I-2017. Hơn 300 nghìn việc làm mới được tạo ra trong khoảng thời gian này, giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp giảm từ mức 25,8% trong năm 2015 xuống còn 18,1% như hiện nay.
Tuy nhiên, tình hình khởi sắc ở Hy Lạp hiện nay không có nghĩa ông K.Mitsotakis và chính phủ của đảng ND có quyền lạc quan. Tân Thủ tướng Hy Lạp sẽ phải giải quyết một số thách thức lớn, có nguy cơ làm sụp đổ các kế hoạch tham vọng của ông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng ở mức 4%.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông K.Mitsotakis đã công bố một chương trình cắt giảm thuế đầy tham vọng, tập trung vào khu vực doanh nghiệp và các đối tượng có thu nhập thấp nhằm thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng cá nhân. Mặc dù cam kết của tân Thủ tướng dựa trên những cơ sở, nền tảng kinh tế vững chắc, nhưng nó có thể tạo ra những lỗ hổng đáng kể về tài khóa.
Trong bối cảnh Hy Lạp vẫn đối mặt với thách thức nợ công, các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ từng động thái của chính quyền mới ở Athens, nhất là lập trường trong chính sách tài chính. Phép thử đầu tiên là kế hoạch ngân sách cho năm sau, dự kiến được ông K.Mitsotakis công bố vào tháng 9-2019.
Theo nhìn nhận của giới phân tích, ông K.Mitsotakis được "thừa hưởng" một đất nước phần nào đã trở nên ổn định sau gần một thập niên rối ren về kinh tế, chính trị. Thắng lợi áp đảo của đảng ND cũng tạo cho tân Thủ tướng K.Mitsotakis nền tảng và niềm tin vững chắc để ông có thể biến tham vọng thành hiện thực, đưa Hy Lạp bước vào một kỷ nguyên mới.